Dư vị Tết xưa bên nồi bánh chưng xanh

Những ngày cuối năm yên bình, dường như ai cũng muốn 'chạy trốn' nhịp sống xô bồ nơi phố thị để trở về với gia đình, thu mình vào một góc nhỏ để cùng người thân gói bánh chưng xanh.

Trong những ngày cuối cùng của tháng Chạp hàng năm, mọi người từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ nông thôn cho tới thành thị, thậm chí cả những kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đều hòa chung bầu không khí an lành đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Đình Tuyên

Trong những ngày cuối cùng của tháng Chạp hàng năm, mọi người từ miền xuôi cho tới miền ngược, từ nông thôn cho tới thành thị, thậm chí cả những kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đều hòa chung bầu không khí an lành đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Đình Tuyên

Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Ảnh: Đình Tuyên

Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người nông dân như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang... Các nguyên liệu đều được lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Ảnh: Đình Tuyên

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, dù trong đời sống hiện đại, văn hóa gói bánh chưng của người Việt chưa bao giờ mai một đi. Đến nay mọi người vẫn hay nói với nhau rằng: thấy đào, thấy quất, thấy bánh chưng là thấy Tết. Ảnh: Đình Tuyên

Không đặc biệt như mai đào nhưng cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, những khóm hoa cúc vàng ươm vẫn cứ âm thầm len lỏi vào không gian Tết của từng gia đình khắp mọi miền Tổ quốc. Ảnh: Đình Tuyên

Không chỉ gói bánh chưng theo gia đình, mà ngày nay các hộ gia đình anh em thân cận hay trong xóm thường cùng nhau nấu chung một nồi bánh. Mọi người góp tiền lại rồi phân công nhau từng việc, sau đó sẽ tập trung cùng làm ở nhà một người, rồi bánh chín thì chia ra mỗi nhà vài chiếc để bày biện cúng tổ tiên. Ảnh: Đình Tuyên

Phong tục truyền thống thờ cúng và thưởng thức bánh chưng ngày Tết của người Việt vừa mang nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh, vừa mang nét văn hóa ẩm thực. Cả hai cùng quyện lẫn vào nhau trong một chỉnh thể cân xứng giữa một bên là vẻ hình thức bề ngoài, một bên là những nguyên liệu bên trong của bánh chưng. Ảnh: Đình Tuyên

Ý nghĩa hơn cả, Tết là dịp để những đứa trẻ được bố mẹ đưa về quê thăm ông bà của mình. Được thỏa thích vui chơi, gói bánh chưng cùng gia đình, được bố mẹ mua quần áo mới, xúng xính đi chúc Tết ông bà, họ hàng, còn được nhận tiền mừng tuổi... Ảnh: Đình Tuyên

Niềm vui đón Tết của các gia đình Việt là cùng nhau quây quần gói bánh, cùng tâm sự, kể cho nhau nghe những câu chuyện, những kỷ niệm của một năm cũ đã qua. Ảnh: Đình Tuyên

Đình Tuyên

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/du-vi-tet-xua-ben-noi-banh-chung-xanh-post264011.html