Du xuân đầu năm chớ bỏ qua Tây Yên Tử!

Tây Yên Tử là một địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn để du xuân đầu năm. Theo chân cô bạn Nguyễn Thị Phương Thảo khám phá khu văn hóa tâm linh- sinh thái đầy thú vị này nhé.

Tình cờ xem được một video giới thiệu về Tây Yên Tử tọa lạc tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, Nguyễn Thị Phương Thảo (22 tuổi, Bắc Giang) đã thấy mê mẩn. Sau đó được một người bạn rủ đi và thông tin địa điểm này mới xây nên rất đẹp, Thảo không ngần ngại lên đường khám phá Tây Yên Tử.

Chia sẻ với Emdep.vn, Thảo cho biết nhà mình cách Sơn Động 73km nhưng quãng đường đó cũng không làm cô gái trẻ chùn chân. Bởi đến Tây Yên Tử, cô được chiêm ngưỡng một khu văn hóa tâm linh – sinh thái với quy mô lớn. “Nơi này rất rộng, sạch sẽ, du khách đến rất có ý thức và thùng đựng rác có ở khắp mọi nơi”, Thảo nói.

Chia sẻ với Emdep.vn, Thảo cho biết nhà mình cách Sơn Động 73km nhưng quãng đường đó cũng không làm cô gái trẻ chùn chân. Bởi đến Tây Yên Tử, cô được chiêm ngưỡng một khu văn hóa tâm linh – sinh thái với quy mô lớn. “Nơi này rất rộng, sạch sẽ, du khách đến rất có ý thức và thùng đựng rác có ở khắp mọi nơi”, Thảo nói.

Trên thực tế, Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm phía Tây của núi Yên Tử, kéo dài từ huyện Sơn Động qua Lục Ngạn, Lục Nam đến huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Từ xa xưa, nơi này đã được các vị vua Lý- Trần chọn làm nơi xây chùa để tu tâm học đạo nhờ địa thế đẹp, núi non hùng vĩ. Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, nơi lưu giữ xá lị sau khi viên tịch thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của Ngài. Do đó ở đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa quý giá, các công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử.

Nhằm khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu vực này, tỉnh Bắc Giang đã triển khai quy hoạch, xây dựng Khu văn hóa tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử từ năm 2014. Đến nay, một số hạng mục chính như chùa Hạ, chùa Thượng, khu Quảng trường cơ bản hoàn thành. Đồng thời, tuyến cáp treo nối Tây Yên Tử lên chùa Đồng cũng đã được đưa vào khai thác từ ngày mùng Hai Tết Kỷ Hợi. Trước đó, du khách muốn lên chùa Đồng từ phía Sơn Động phải vượt nhiều km đường rừng, trong đó nhiều đoạn dốc nguy hiểm dựng đứng.

Trong chuyến đi Tây Yên Tử, Phương Thảo cũng đã được biết đến cảm giác ngồi cáp treo lên vãn cảnh ở chùa Đồng. Lần đầu tiên trải nghiệm, cô gái trẻ vừa có cảm giác thích thú vừa xen chút sợ hãi. Bên cạnh tham quan chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, du khách đến đây còn có thể ghé thăm hàng loạt các công trình di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long, Suối Mỡ, khu sinh thái Đồng Thông…

Phương Thảo gợi ý nếu đi xe máy bạn nên vào chùa gửi xe với giá 5.000/xe thay vì mất 15.000/xe khi gửi ở bên ngoài. Ở đây các dịch vụ ăn uống cũng chưa có nhiều, chủ yếu là các hàng quán bán đồ lưu niệm và sản vật từ rừng. Do đó nếu có ý định du xuân ở Tây Yên Tử, bạn có thể chủ động chuẩn bị đồ ăn từ nhà.

Ảnh: NVCC
Bảo Bình

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/di/du-xuan-dau-nam-cho-bo-qua-tay-yen-tu-20190213084359524.htm