Du xuân dọc đất nước với lễ hội trải dài 3 miền

Những lễ hội trải dài khắp 3 miền sẽ giúp du khách được trải nghiệm hương vị Tết truyền thống với muôn vàn phong tục độc đáo.

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khai hội mùng 6 Tết hàng năm, nhưng từ mùng 2, trên dòng Suối Yến đã tập nập đò chở khách đi lễ chùa. Phật tử cùng du khách trẩy hội Chùa Hương để vãn cảnh, lấy lại sự cân bằng trong tâm thức và cầu mong một năm mới sung túc, an lành. Ảnh: Việt Linh.

Chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khai hội mùng 6 Tết hàng năm, nhưng từ mùng 2, trên dòng Suối Yến đã tập nập đò chở khách đi lễ chùa. Phật tử cùng du khách trẩy hội Chùa Hương để vãn cảnh, lấy lại sự cân bằng trong tâm thức và cầu mong một năm mới sung túc, an lành. Ảnh: Việt Linh.

Từ khi có cáp treo, du khách thường vãn cảnh và đi lễ Chùa Hương trong một ngày. Nhưng để khám phá 3 tuyến du lịch (Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn) và hiểu được trọn vẹn không khí sinh hoạt văn hóa của lễ hội, du khách nên nghỉ lại 1-2 đêm.

Nếu muốn hiểu về vùng đất Kinh Bắc xưa thì du khách không thể không một lần đến Hội Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), diễn ra từ ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương thể hiện nét văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân xứ Kinh Bắc. Ảnh: Lê Hiếu.

Hội Lim thu hút du khách với hàng loạt hoạt động sặc sắc: Lễ rước, tế lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… Trong đó, giữ hồn du khách là các hội hát quan họ. Khi liền anh, liền chị cất lên những câu hát giao duyên say đắm, bạn biết rằng mình sẽ có cả một mùa xuân đáng nhớ. Ảnh: Lê Hiếu.

Năm nay, Hội xuân núi Bà Đen (Tây Ninh) diễn ra từ mùng 4 Tết với chủ đề “Tây Ninh - Xuân rạng ngời”. Núi Bà Ðen bắt nguồn từ truyền thuyết người con gái tên Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng Phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn thánh mẫu”.

Là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất ở phía Nam, Hội xuân núi Bà Đen mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của người dân về một cuộc sống an khang, thịnh vượng.

Lễ hội bơi chải Thuyền rồng trên hồ Tây diễn ra trong hai ngày 16 và 17/2 (tức ngày 12-13 tháng Giêng). Lễ hội quy tụ gần 500 vận động viên của 25 đoàn trong nước và quốc tế tham gia đọ sức ở nội dung đua thuyền rồng tiêu chuẩn 12 người, cự ly thi đấu 600 m. Ảnh: Hoàng Hà.

Ngoài các nội dung thi đấu, đến lễ hội, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào lễ diễu hành của các vận động viên đua thuyền và một số bộ môn thể thao dưới nước. Giữa các màn tranh tài gay cấn là những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn đem đến bầu không khí lễ hội sôi động cho du khách trong dịp xuân mới. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong những năm gần đây, với chủ trương, chính sách khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống của Đảng và Nhà nước, Vietnam Airlines cùng UBND thành phố Hà Nội đã chung tay khôi phục lễ hội bơi chải thuyền rồng trên hồ Tây.

Nhóm chuyên nghiệp gồm các đội thi quốc tế đến từ 4 nước: Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Lào và các đội thi tỉnh, thành Việt Nam sẽ tranh tài tại vòng loại và vòng chung kết ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ trong ngày 16/2.

Nhóm phong trào gồm các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố tranh tài ở nội dung thuyền 12 nam và thuyền 12 nữ với vòng loại diễn ra ngày 16/2 và vòng chung kết ngày 17/2. Nhóm phong trào gồm các đại sứ quán, cơ quan, doanh nghiệp tranh tài ở nội dung thuyền 12 hỗn hợp nam, nữ trong ngày 17/2.

Theo Zing

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/du-lich/du-xuan-doc-dat-nuoc-voi-le-hoi-trai-dai-3-mien-140031.html