Du xuân Nam Định - miền đất của những lễ hội đầu năm

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, tại Nam Định lại diễn ra hàng trăm lễ hội đặc sắc, vừa mang yếu tố tín ngưỡng, vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Du xuân trên miền đất của những lễ hội này, du khách sẽ được hòa mình vào những lễ hội đã được gìn giữ, nâng niu và bảo tồn như chính cuộc sống của con người nơi đây.

Nam Định là một trong những mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và có nhiều lễ hội đặc sắc gắn với các di tích lịch sử văn hóa. Hằng năm, từ tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch, trên địa bàn tỉnh Nam Định có hàng trăm lễ hội được tổ chức, tập trung tại các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu…

Lễ hội khai ấn đền Trần – mảnh ghép tâm linh đất Thành Nam

Lễ hội khai ấn đền Trần – mảnh ghép tâm linh đất Thành Nam

Trong hàng trăm lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm tại Nam Định phải kể đến lễ hội khai ấn đền Trần – mảnh ghép tâm linh đất Thành Nam, được tổ chức tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

Đây là một trong những lễ hội được tổ chức với quy mô lớn và thu hút đông đảo khách tham quan từ mọi miền Tổ quốc. Lễ hội khai ấn đền Trần được tổ chức vào dịp đầu xuân mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Lễ hội nhằm tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của vương triều nhà Trần. Đồng thời, đây cũng là dịp để du xuân, trẩy hội, là một hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống.

Tại lễ hội, sau khi lễ khai ấn được thực hiện bởi các cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng) kết thúc, khách thập phương vào đền Thiên Trường để tế lễ, xin lá ấn với mong muốn một năm mới thành đạt và phát tài.

Song song với đó, khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn…

Trong dịp đầu năm, tại Nam Định còn có lễ hội Phủ Dầy – quần thể tín ngưỡng truyền thống, được tổ chức quy mô và thu hút rất nhiều du khách. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức để tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một vị thần chủ trong tứ bất tử của người Việt Nam và của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống.

Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, mùng 1 là ngày khai hội, mùng 2 là làng Tiên Hương tổ chức rước nước, mùng 3 là ngày dâng lễ vật với bánh dầy, lợn, xôi, hoa quả, rượu,… Đến ngày mùng 4 là chính giỗ ở phủ Vân Cát và rước Thánh Mẫu lên chùa Dần vào ngày mùng 5.

Vào ngày mùng 6, phủ Tiên Hương tiếp tục rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi. Nghi thức rước Thánh được tổ chức long trọng trong không khí thành kính, trang nghiêm, gợi nhắc cội nguồn. Cùng với phần lễ, hầu bóng cũng là một nét đặc trưng của đạo Mẫu Việt Nam.

Lễ hội Phủ Dầy – quần thể tín ngưỡng truyền thống

Bên cạnh đó, trong những ngày đầu xuân năm mới, tại Nam Định còn có lễ hội Chợ Viềng – phiên chợ đầu năm, gắn với di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy - trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Theo đó, cứ vào đêm mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng hằng năm, du khách thập phương lại đổ về huyện Vụ Bản (Nam Định) để dự phiên chợ “cầu may”, các sản phẩm được đem ra mua bán chủ yếu là cây cảnh, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồ cổ, các sản phẩm đúc đồng, mỹ nghệ… Tại đây, người bán ai cũng muốn bán được sản phẩm và khách đến chợ ai cũng muốn mua một thứ gì đó.

Với ý nghĩa “mua may, bán rủi” nên ở chợ Viềng người bán không nói thách, người mua cũng không mặc cả bởi như thế sẽ mất đi ý nghĩa linh thiêng. Từ lâu, chợ Viềng đã trở thành một lễ hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng châu thổ sông Hồng. Chính vì thế, mỗi năm, chợ Viềng thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về du xuân, mua sắm, chơi hội…

Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm tại Nam Định như: lễ hội chùa Lương tại huyện Hải Hậu, lễ hội hoa làng Vị Khê tại huyện Nam Trực, lễ hội làng Ngọc Tiên tại huyện Xuân Trường…

Các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, văn minh, trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế.

M.Q

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/du-xuan-nam-dinh-mien-dat-cua-nhung-le-hoi-dau-nam-86930.html