Du xuân ở 'Hoan Châu đệ nhất danh lam'

Dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023, người dân, du khách thập phương nô nức hành hương về chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) để tham quan, vãn cảnh, cầu cho cuộc sống gặp nhiều may mắn, yên vui, gia đình hạnh phúc.

Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam"

Tọa lạc trên đỉnh non Hồng huyền thoại, cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ, chùa Hương Tích được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, một trong số 21 thắng cảnh của nước An Nam xưa. Truyền rằng, chùa được xây dựng vào đời Trần gắn với tích Công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa phật.

Truyền rằng, chùa Hương Tích được xây dựng vào đời Trần gắn với tích Công chúa Diệu Thiện con vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa phật.

"Tháng Giêng Đô Đài/ Tháng Hai Hương Tích". Mặc dù truyền thống xưa nay chính lễ chùa Hương Tích diễn ra vào ngày 18/2 Âm lịch, nhưng ngay từ những ngày đầu Xuân mới, người dân, du khách thập phương đã nô nức đến chùa thắp nén tâm nhang, cầu một năm mới khởi đầu tốt đẹp, mọi việc hanh thông.

Dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023, chùa Hương Tích đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái.

Chị Phan Thị Hồng Anh ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên gia đình đến du Xuân, thắp hương cầu may mắn, hạnh phúc, bình an ở chùa Hương Tích. Theo tôi, đây là nét đẹp văn hóa ngày Xuân cần được gìn giữ, phát huy trong dòng chảy của công cuộc đổi mới".

Du Xuân, vãn cảnh chùa Hương Tích, người dân, du khách có thể độc bộ leo núi, du thuyền hồ Nhà Đường hoặc lên chùa với hệ thống cáp treo để khám phá vẻ đẹp huyền bí, hoang sơ của non nước, mây trời.

Du thuyền hồ Nhà Đường tại chùa Hương Tích.

“Trải nghiệm du thuyền, leo núi với tôi và nhiều người có lẽ đó là chuyến hành hương đầy thử thách. Vậy nhưng thực sự đã tạo nên những cảm giác bất ngờ, thú vị không thể nào quên khi về với non cao Ngàn Hống, về với chùa Hương Tích ngày Xuân”, anh Nguyễn Văn Bá (ở phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) chia sẻ.

Qua tìm hiểu được biết, với những giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Hương Tích, nên từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão đã có hàng vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái tại chùa. Trong đó những ngày cao điểm, thời tiết đẹp, chùa Hương Tích đón khoảng 1,3 đến 1,5 vạn người/ngày.

Leo núi khám phá chùa Hương Tích

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích Võ Thành Chung cho biết, du Xuân, vãn cảnh chùa Hương Tích dịp đầu Xuân mới trở thành nét đẹp văn hóa trong tâm thức của nhân dân. Đặc biệt, bên cạnh người dân nội tỉnh, năm nay chùa đón nhiều đoàn du khách từ TP Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Ninh Bình… đến tham quan, chiêm bái.

“Để việc tham quan, hành lễ diễn ra an toàn, thuận lợi, năm nay công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường được tăng cường. Các dịch vụ đưa đón khách tham quan như: du thuyền, cáp treo, xe điện,... được tổ chức khá chu đáo và có nhiều đổi mới, để lại tình cảm, dấu ấn trong lòng du khách”, ông Võ Thành Chung cho hay.

Đi lễ chùa Hương Tích trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, du khách dịp đầu Xuân mới.

Đi lễ chùa Hương Tích là hoạt động tín ngưỡng tâm linh, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân, du khách thập phương dịp đầu Xuân mới. Dãy Ngàn Hống hùng vĩ, thơ mộng, chùa Hương Tích linh thiêng, là điểm đến hấp dẫn, lý thú với mọi người, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa ngày Xuân, đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển đi lên.

Văn Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/du-xuan-o-hoan-chau-de-nhat-danh-lam.html