Đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy

Có một câu nói rất hay về hạnh phúc: 'Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đang đi'. Mỗi người sẽ có những định nghĩa riêng cho mình về hạnh phúc, với tôi hạnh phúc thật đơn giản giống như câu chuyện của cặp vợ chồng khuyết tật là anh Trần Hữu Đạt và chị Đào Thị Tươi, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao mà tôi có dịp được gặp gỡ. Họ như một sự sắp đặt của số phận, hai 'vầng trăng khuyết' gặp nhau, cùng viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường về tình yêu và nghị lực sống.

Anh Đạt, chị Tươi hạnh phúc bên các con.

Cơn sốt kéo dài khi mới hai tuổi đã khiến anh Đạt bị liệt đôi chân, còn chị Tươi cũng bị liệt một bên chân, duyên số đã cho anh chị cơ hội gặp nhau khi cả hai cùng theo học tại một trường nghề cho người khuyết tật ở Ba Vì, Hà Nội vào năm 2001. Kết thúc khóa học, hai anh chị vẫn viết thư thăm hỏi, động viên nhau, lâu dần thành quen, tình cảm của đôi bạn trẻ trở nên thân thiết lúc nào không hay biết và cứ thế lớn dần lên từng ngày trong trái tim không khuyết tật và chân thành. Có lẽ, sự đồng cảm về hoàn cảnh và những khiếm khuyết trên cơ thể vô tình trở thành lý do để họ thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhiều hơn. Tình yêu nảy nở, dẫn lối khiến anh chị quyết định đi đến hôn nhân. Đầu năm 2008, một đám cưới đầm ấm được diễn ra trong sự chúc phúc và ngưỡng mộ của mọi người.

Anh Đạt nhận sửa chữa đồ điện tại nhà.

Ngày mới về chung tổ ấm, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá bấp bênh, chấp nhận cơ thể mình và học cách thích nghi với những điều khác biệt, tình yêu là thứ duy nhất họ dùng để lấp đầy cuộc sống khó khăn khi đó. Như một giấc mơ, cuối năm 2008 cô con gái đầu lòng chào đời, xinh xắn, lành lặn, khỏe mạnh, đến năm 2013, chị Tươi tiếp tục sinh thêm bé trai thứ hai, niềm hạnh phúc ấy đã tô điểm giúp cuộc sống của anh chị trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Để có tiền trang trải cuộc sống, vun vén cho tổ ấm nhỏ, do hạn chế trong việc đi lại anh Đạt nhận sửa chữa đồ điện tại nhà, chị Tươi thuê một góc nhỏ tại cửa hàng quần áo để nhận sửa chữa quần áo, chồng ở nhà tranh thủ giúp vợ chuyện bếp núc, vợ chồng phụ nhau công việc những lúc rảnh rỗi, tối tối lại cùng nhau trên chiếc xe ba bánh dạo quanh xóm làng.

Còn chị Tươi thuê một góc nhỏ tại cửa hàng quần áo để nhận sửa chữa quần áo.

Nên duyên vợ chồng đến nay đã gần 17 năm, anh Đạt, chị Tươi không giàu có về của cải vật chất, cuộc sống bình thường như bao gia đình khác thậm chí còn phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần khi thiệt thòi về thể chất những chưa từng nặng lời, to tiếng với nhau dù chỉ một lần, đều vì nhau mà nhún nhường, vì nhau mà chấp nhận gạt đi những cái tôi của cả hai. Anh Đạt chia sẻ: “Người vợ hiện tại chính là lựa chọn ngay từ cái nhìn đầu tiên và cũng là lựa chọn duy nhất của tôi, nếu cho tôi được chọn lại tôi vẫn chọn như vậy”. Còn với chị Tươi: “Hạnh phúc đơn giản chỉ là được chồng yêu thương, chia sẻ, cùng phụ giúp nhau những công việc hàng ngày và quây quần bên nhau mỗi bữa cơm gia đình, chỉ cần như vậy thì dù có khó khăn, vất vả đến mấy cũng sẽ vượt qua”.

Vợ chồng cùng giúp nhau công việc trong gia đình.

Có nhiều cách để thể hiện những giá trị của cụm từ “hạnh phúc” bằng những khái niệm trên phương diện cả về lý luận và thực tiễn nhưng với tôi, giá trị của hạnh phúc gia đình lại được cảm nhận qua lăng kính muôn màu của cuộc sống đời thường mà mình vô tình bắt gặp ở khắp mọi nơi.

Gia đình anh Đạt, chị Tươi là một trong những gia đình người khuyết tật tiêu biểu và được Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Họ là chứng minh cho hạnh phúc không chỉ được gắn kết bởi những mảnh ghép hoàn hảo, đẹp đẽ mà đôi khi còn được góp nhặt từ những mảnh đời khiếm khuyết để vẽ nên bức tranh ngập màu yêu thương như người ta vẫn thường nói: “Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/du-yeu-thuong-hanh-phuc-se-dong-day/208738.htm