Đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc.

Công ty đang nợ số tiền lớn, nếu không cơ cấu được phải tính phương án khác, để lâu vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, không chỉ ảnh hưởng đến dự án mở rộng mà còn ảnh hưởng đến cả hoạt động của Công ty; phải có giải pháp xử lý dứt điểm, không để kéo dài trong nhiệm kỳ này.

Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã nhất trí đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài của ngành Công Thương, để các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các giải pháp tiếp theo tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả đạt mục tiêu đề ra. Với 5 dự án này, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương tiếp tục chỉ đạo chi tiết, có giải pháp cụ thể, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, báo cáo Thủ tướng.

Với 7 dự án còn lại, phải báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 10-2022. Phó Thủ tướng sẽ cùng các bộ, ngành xem xét từng giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn vốn đảm bảo khả thi, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần chọn dự án nào dễ làm trước. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành tại buổi làm việc, tiếp tục chỉ đạo Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9-2022.

Phó Thủ tướng đề cập đến 6/7 dự án còn lại, trong đó lưu ý Tập đoàn Hóa chất Việt Nam còn 2 dự án là DAP-2 Lào Cai và đạm Ninh Bình cần chuẩn bị đề án chi tiết, để đưa vào tổng hợp chung. Tổng Công ty Thép Việt Nam có 2 dự án yếu kém là dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco2) và dự án Nhà máy thép Việt - Trung phải thực hiện lộ trình làm sớm, báo cáo Chính phủ trong tháng 4-2022.

Với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Phó Thủ tướng cho biết, đây là dự án xử lý khó khăn nhất; đề nghị phải cương quyết làm, bán sắt vụn, có giải pháp khai thác đất đai. "Nhúc nhắc thế này thì vài nhiệm kỳ nữa cũng không xong", Phó Thủ tướng nói.

Với dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất hiện còn vướng hợp đồng EPC. Qua thanh tra, chưa được Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Công ty làm rõ một số nội dung về bồi thường thiệt hại, cam kết nghĩa vụ về vốn… Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ các nội dung này, cùng với đề án xử lý của các dự án còn lại, để trình Bộ Chính trị cho kịp tiến độ. "Đây là vấn đề Thủ tướng rất quan tâm, rất sốt ruột, đề nghị phải xuống tận nơi xem xét chi tiết", Phó Thủ tướng cho hay.

B.T - TTXVN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dua-5-du-an-ra-khoi-danh-sach-12-du-an-thua-lo-ton-tai-keo-dai-post259111.html