Đưa bài học quân ngũ vào doanh nghiệp

(DĐDN) - Bài học quân ngũ không chỉ nâng cao sự nhạy bén, linh hoạt, khả năng thích nghi nhanh với môi trường, mà còn đào tạo con người những suy nghĩ tích cực, đặc biệt là khơi dậy tinh thần, ý chí quyết thắng ở mỗi con người. Vận dụng một cách sáng tạo bài học này vào việc quản lý, lãnh đạo thì không một khó khăn nào có thể ngăn cản được bước tiến mạnh mẽ của doanh nghiệp.

Số nhân viên chưa bao giờ gia nhập vào quân ngũ cũng thuộc và hiểu rất rõ những bài học từ quân ngũ, để rồi những giá trị được đúc kết từ quân ngũ trở thành bản sắc văn hóa của DN

Thực hiện một cuộc nghiên cứu nhỏ về những doanh nhân thành công đã từng gia nhập quân ngũ, chúng tôi đã tìm ra được một điểm chung: đời sống quân ngũ đã giúp họ thành công từ góc độ cá nhân đến công việc. Chúng ta bắt đầu bằng việc tìm hiểu sâu về bài học quân ngũ.

Những giá trị từ bài học quân ngũ

Ngay ngày đầu tiên gia nhập quân ngũ, người lính được đào tạo, được định hướng để có những suy nghĩ tích cực. Những gian khổ cần thiết cho việc tập luyện đã dần hội tạo nên một ý chí vững chãi hơn, nảy nở theo sức chịu đựng bền bỉ hơn về thân xác. Để không bỏ cuộc trong lúc leo đồi, vượt bãi thực tập chiến thuật tác xạ, vũ khí... người lính phải cố gắng kiện toàn ý chí và nghị lực, nâng cao tính linh động của tri giác. Thời gian tại Quân trường đã vô tình tập trung được những phản đáp tâm lý hết sức nhạy bén. Các yếu tố tri giác từ một đối tượng quan sát qua những bài học quan sát ngày, quan sát đêm, dò tìm mục tiêu, định tọa độ... đã được ghi nhận trong ý thức. Những bệnh tật như tự kỷ, ám thị hay ảo tưởng tình cảm đã dần dần biến mất trong một nếp sống Nhanh - Mạnh - Chính Xác - Kịp Thời của người lính.

Trong quãng đời lính, tinh thần “tự chiến thắng” thể hiện rất rõ. Bắt đầu từ chiến thắng chính bản thân mình, rồi sau đó mới chiến thắng quân thù. Môi trường Quân đội không phải là nơi để người lính hưởng thụ những thú vui đời thường mà là nơi để họ chiến đấu cho một lý tưởng nhất định. Quân kỷ luôn trừng phạt nặng những thói tìm nhẹ lánh nặng, ngại khó, ngại khổ là nhằm giúp họ tự chiến thắng bản thân mình trước, vượt qua khó khăn, suy nghĩ nhàn hạ. Công việc được giao phó càng khó khăn, họ càng phải tự chiến thắng cảm giác chán nản, ngán ngẩn và sợ hãi.

Trong quân đội, chữ tâm, lòng vị tha hay tinh thần đoàn kết với đồng đội luôn được đề cao. "Tập thể trên hết" không phải là một thứ chủ trương đàn áp cá nhân, tiêu diệt cá tính. Khẩu hiệu trên được hiểu rằng: đứng trong hàng ngũ, nếu ai còn hành động theo mục tiêu cá nhân thì chắc chắn sẽ bị loại ra ngoài trật tự chung - một trật tự liên quan đến sinh mạng của số đông. Vì thế, những người có tính ích kỷ phải tập cho mình óc vị tha. Đồng đội không phải là những người họp mặt trong một cuộc vui chóng tàn hay một công việc nhất thời tạm bợ, mà là những người đồng sinh đồng tử, sẽ cùng ta đối đầu với những nguy hiểm không thể ngờ được. Vậy, chỉ có lòng vị tha, biết nghĩ đến người khác mới nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, yểm trợ nhau trong công việc.

Đời quân ngũ đã tập người lính lòng can đảm. Trước khi vào lính, người ta có thể nhút nhát hay liều lĩnh. Nhút nhát tức là khiếp nhược và liều lĩnh thường khi mù quáng. Đem sinh mạng mình ra chiến đấu và chiến đấu cho một lý tưởng cao cả, nên người chiến binh không thể liều lĩnh mù quáng và khiếp nhược thụt lùi. Tinh thần trách nhiệm được trao dồi trong thời kỳ quân trường càng hỗ trợ cho lòng can đảm.

Quân ngũ còn đào tạo người lính lòng can đảm, tự tin, thận trọng, khả năng chế ngự cảm xúc... Vì vậy, khi gia nhập quân ngũ, những đức tính này đều được phát huy hay gia tăng. Quân đội đã áp dụng đúng và tốt phương pháp "lặp đi lặp lại” và biến chúng thành linh hồn của “giáo huấn", tạo thành thành thói quen cho mọi đức tính nơi người chiến sĩ. Đến mức thuần thục thì đúng như triết gia Aristote nói "thói quen là bản chất thứ hai" (l'habitude, c'est la secondaire nature). Trong khi chiến đấu, làm việc, người chiến sĩ sẽ tự động làm hoàn hảo mọi việc mỗi khi đã được ôn tập hiệu quả ở quân trường.

Với những giá trị được nêu, chúng ta thử đối chiếu nhân cách "quân nhân" với nhân cách khác trong toàn bộ bản ngã một con người. Kết quả khảo sát là đúng. Một mẫu chiến sĩ lý tưởng giúp con người thành công hơn trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp , và cao hơn, nó giúp ích rất nhiều trong việc biến một con người thành một con người lý tưởng. Các phẩm chất được đào tạo luôn bổ sung, nâng đỡ lẫn nhau, tạo thành một con người hoàn hảo.

Ghi nhận từ cuộc sống doanh nghiệp

Một lần, tôi hẹn làm việc với Ban giám đốc SMC vào 8 giờ sáng ngày thứ hai đầu tuần. Tuy nhiên, theo thói quen, tôi thường đến sớm để tìm hiểu nghiên cứu. Đến nơi, tôi thấy toàn thể cán bộ nhân viên SMC tập trung trước đại sảnh để nghe Tổng giám đốc điểm tin, bắt đầu là tin tức quốc tế, tin trong nước, tin liên quan đến ngành thép, những chính sách của Cty sẽ triển khai trong tuần, và cuối cùng là nhắc lại những giá trị và chuẩn mực hành vi mà tổng giám đốc SMC này rút ra khi còn làm người lính.

Nghiên cứu sâu hơn, tôi thấy, mỗi năm, đến ngày thành lập quân đội nhân dân VN (22/12), toàn thể cán bộ nhân viên SMC tập trung lại và làm lễ. Mọi hoạt động ở đây tập trung vào nhắc lại những kỹ niệm ở đời lính, ở chiến trường xưa, những bài học quí giá từ quân ngũ và chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận dụng chúng vào công việc kinh doanh tại SMC.

Viettel vượt VNPT có nhiều nguyên nhân, nhưng phải thừa nhận nhờ văn hóa kỷ luật được vận hành từ quân ngũ. Sự thành công của Tân Cảng Sài Gòn cũng vậy...

Tại các DN này, số người chưa bao giờ gia nhập vào quân ngũ cũng thuộc và hiểu rất rõ những bài học từ quân ngũ, và họ rất tự hào điều này, để rồi những giá trị được đúc kết từ quân ngũ trở thành bản sắc văn hóa. Đây là chất keo kết nối toàn thể cán bộ nhân viên lại với nhau và cũng chính là sức mạnh lớn nhất của DN.

Tóm lại, trong quản lý, không nên nhìn sự việc theo kiểu đúng sai, mà nên nhìn theo sự phù hợp và hiệu quả. Môi trường quân ngũ khác với môi trường DN. Vì vậy, việc vận dụng bài học quân ngũ vào DN phải hết sức sáng tạo và linh hoạt theo từng thời điểm, hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh và đặc thù riêng của từng DN. Số người từng gia nhập vào quân ngũ, và bây giờ là doanh nhân ở VN là một con số không nhỏ. Trong số đó, nhiều doanh nhân đã đưa được bài học quân ngũ vào DN rất thành công .

Box: Việc vận dụng bài học quân ngũ vào DN phải hết sức sáng tạo và linh hoạt theo từng thời điểm, hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh và đặc thù riêng của từng DN.

Tinh thần doanh nhân

Như một chân lý, các quốc gia hùng mạnh có nền kinh tế thịnh vượng đều thượng tôn tinh thần doanh nhân và tinh thần sáng tạo lấy kinh tế làm trung tâm.

Chính nhờ tinh thần doanh nhân và sáng tạo, chỉ sau 20 năm, từ hoang địa của một quốc gia thất trận, người Nhật đã xây dựng thành công đế chế kinh tế hàng đầu thế giới.

Tương tự, bằng tinh thần doanh nhân và yêu nước, người Hàn đã xây dựng cường quốc kinh tế trong top 10 của thế giới chỉ sau 25 năm từ tàn phá của cuộc nội chiến. Xa hơn một chút về địa lý, đất nước Israel nhỏ bé nằm giữa hoang mạc khô cằn, vây quanh bởi khối quốc gia thù địch, đã xây dựng nền công nghệ dẫn đầu thế giới nhiều lĩnh vực... đồng thời chi phối mạnh mẽ nền tài chính và chính trị thế giới…

Người VN ta, về tố chất không hề thua kém người Hàn, người Nhật, người Israel hay người Mỹ. Điều kiện địa chính trị, tài nguyên không hề bất lợi so với các quốc gia đó. Thế nhưng đã gần 40 năm sau thống nhất, chúng ta vẫn là nước nghèo, chưa phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật.

Nguyên nhân thì nhiều nhưng có một nguyên nhân rất căn bản: Đó là tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo khởi nghiệp chưa được xây đắp để trở nên bản thể của văn hóa Việt, những DN chân chính chưa có được sự ủng hộ toàn diện từ thiết chế và cộng đồng.

Tinh thần doanh nhân cần được xem như tinh thần chiến đấu bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa - biên giới quốc gia được xác lập bằng biên cương hàng hóa - không gian sinh tồn của dân tộc tùy thuộc vào không gian chiếm cứ của thương hiệu quốc gia. Có tinh thần này, biên cương “mềm” của đất nước sẽ rộng mở, không gian phát triển cho dân tộc sẽ rộng, thoáng. Nếu ngược lại, sẽ là “nô thuộc” về kinh tế ngay chính sân nhà.

Vì vậy, tinh thần doanh nhân và tinh thần sáng tạo khởi nghiệp cần được nhanh chóng khởi phát mạnh mẽ trong cộng đồng bằng nhiều phương tiện để phục hồi và đưa đất nước vào vị thế quốc gia thịnh vượng, bền vững. Tinh thần doanh nhân cần được hậu thuẫn mạnh mẽ từ văn hóa, giáo dục, truyền thông của cả đất nước. Như vậy sẽ sớm làm thay đổi tâm thức của thế hệ trẻ hôm nay trên con đường kiến quốc dựng nghiệp.

Giới tinh hoa trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ , văn hóa, giáo dục, xã hội và chính trị với chức trách dẫn đạo của mình cũng nên tham gia vào công cuộc xây dựng, cổ súy tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp kiến quốc bằng các tác động hết sức cụ thể, nhằm thúc đẩy nhanh kết quả ở tầm vóc quốc gia, quốc tế.

Chỉ khi nào có được tinh thần doanh nhân trong cộng đồng thì khi ấy chúng ta mới có cơ sở để xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh, vững chắc.

Đặng Lê Nguyên Vũ
Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên

Đỗ Thanh Năm
Chủ tịch HĐQT Cty Tư vấn Chiến lược Win-Win

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/doanh-nghiep/dua-bai-hoc-quan-ngu-vao-doanh-nghiep-2014042910354437.htm