Đưa chính sách bảo hiểm tiền gửi tới nông thôn

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, hệ thống tài chính - ngân hàng ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro mới bên cạnh những nguy cơ truyền thống. Nhằm cân bằng giữa sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính - ngân hàng và sự ổn định của nền kinh tế, Chính phủ đã sử dụng chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền và góp phần duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng.

Ảnh minh họa.

Thông tin tuyên truyền - một nghiệp vụ quan trọng

Đối với mọi tổ chức BHTG, mục tiêu hoạt động chung nhất là luôn gìn giữ niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Để thực hiện điều này, bên cạnh hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, hay trả tiền bảo hiểm… công tác thông tin tuyên truyền cũng được đặc biệt quan tâm.

Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) đã khuyến nghị công chúng cần phải được thông tin thường xuyên về chính sách BHTG. Tại Việt Nam, Luật BHTG được Quốc hội thông qua năm 2012 cũng quy định rõ một trong các quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG là tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG. Đây chính là những cơ sở quan trọng để BHTGVN đưa chính sách BHTG ngày càng gần gũi hơn đối với công chúng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền.

Sau 17 năm hoạt động, BHTGVN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao niềm tin công chúng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Kết quả này có được một phần là do BHTGVN đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG cũng như triển khai hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ khác.

Trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu các TCTD giai đoạn II, BHTGVN xác định tuyên truyền chính sách là một nghiệp vụ quan trọng cần phải đẩy mạnh. Đặc biệt, BHTGVN nhận thức được rằng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, người gửi tiền là một đối tượng dễ bị tổn thương cần có sự quan tâm đặc biệt.

Đưa chính sách tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp củng cố niềm tin của công chúng, qua đó thúc đẩy sự phát triển các QTDND nói riêng và hệ thống các TCTD nói chung, mà còn góp phần khơi thông dòng vốn phát triển kinh tế địa phương, đóng góp quan trọng trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước.

Một trong những trọng tâm để triển khai định hướng tuyên truyền hướng tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, là chuỗi các hội nghị do BHTGVN tổ chức với sự tham gia của các QTDND nhằm truyền thông về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của tổ chức BHTG và các quy định pháp luật về BHTG. Qua những thông tin được phổ biến, các QTDND được làm rõ về các vấn đề chính sách: hạn mức trả tiền bảo hiểm, phí BHTG, phạm vi tiền gửi được bảo hiểm… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các QTDND trực tiếp nói lên tiếng nói của mình, nêu những ý kiến, góp ý về chính sách cũng như về các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN, qua đó BHTGVN có thể tiếp thu, phản hồi, giải thích.

Như vậy, quá trình tuyên truyền không chỉ là một chiều mà là hai chiều, cùng với cơ quan chịu trách nhiệm thực thi chính sách là BHTGVN, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách đạt được sự thấu hiểu, chia sẻ nhằm triển khai chính sách ngày càng hiệu quả.

Qua quá trình tiếp xúc với các QTDND, người gửi tiền cũng như các hộ kinh doanh cá thể tại các địa phương, nhiều QTDND đã nhận thức tương đối đầy đủ về chính sách BHTG và đã chủ động triển khai tuyên truyền, tư vấn cho người gửi tiền về chính sách. Các tài liệu tuyên truyền do BHTGVN gửi tới các QTDND cũng bước đầu nhận được phản hồi tích cực.

Hướng về nông thôn

Trong giai đoạn tiếp theo, BHTGVN tiếp tục coi tuyên truyền chính sách tới vùng nông thôn là một trong những định hướng quan trọng. Điều này đã được thể hiện nhất quán trong các chỉ đạo của các cấp lãnh đạo BHTGVN. Để thực hiện định hướng này, các chi nhánh BHTGVN sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò là cơ quan đại diện, là “cánh tay nối dài” của BHTGVN tại cơ sở, đi sâu, đi sát, đến với từng người gửi tiền ở khắp các xóm thôn, làng bản.

Bên cạnh đó là đa dạng hóa phương thức truyền thông. BHTGVN tiếp tục triển khai một số hình thức tuyên truyền mới như: sử dụng các tiểu phẩm có lồng ghép nội dung chính sách để phát trên các đài truyền hình, đài phát thanh địa phương; tham gia các hội nghị thành viên của các QTDND để triển khai tuyên truyền chính sách trực tiếp tới các thành viên của quỹ; phối hợp với chính quyền xã, thôn, các Chi hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân; tổ chức các buổi tìm hiểu, thảo luận về chính sách BHTG…

Trong các trường hợp như khi có điều chỉnh về chính sách BHTG, các thông tin tiêu cực về hoạt động ngân hàng, BHTGVN cần có phản ứng nhanh, tuyên truyền trấn an người gửi tiền, tránh gây ra đổ vỡ dây chuyền, đồng thời truyền tải đến người gửi tiền được bảo hiểm thông tin đầy đủ về quyền và lợi ích hợp pháp của mình, qua đó ổn định tình hình chính trị – xã hội tại địa phương.

Để phát huy hiệu quả của chính sách BHTG, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Người gửi tiền tại vùng nông thôn đã, đang và sẽ là một trong những trọng điểm tuyên truyền của BHTGVN, qua đó giúp chính sách lan tỏa và đi vào cuộc sống.

P.V

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dua-chinh-sach-bao-hiem-tien-gui-toi-nong-thon-post3522.html