Đưa cơ giới vào sản xuất tại HTXNN Nhân Phúc

Vụ xuân 2024, HTX Nông nghiệp (HTXNN) Nhân Phúc (xã Phú Phúc – Lý Nhân) có kế hoạch gieo cấy 126 ha lúa; trong đó có hơn 106 ha, chiếm trên 84% diện tích được chuyển từ lúa gieo thẳng sang cấy bằng máy. Đây là bước đột phá trong thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng của địa phương. Được biết, việc đưa máy cấy vào sản xuất tại HTXNN Nhân Phúc mới chỉ được thực hiện từ vụ lúa mùa 2023, trên diện tích chưa đến 2 ha.

Từ vụ xuân 2023 về trước, người dân chủ yếu áp dụng phương pháp lúa gieo thẳng (bằng hình thức vãi tay) trên 100% diện tích. Tuy nhiên, lúa gieo thẳng của HTX có mật độ dầy bị nhiễm sâu, bệnh nhiều, nhất là đối tượng lúa cỏ phát sinh, phát triển và gây hại mạnh. Có những diện tích lúa gieo thẳng bị lúa cỏ lấn át toàn bộ phải phá bỏ, nhiều ruộng chỉ thu được 40 – 50% năng suất so với trước đây. Do vậy, năng suất lúa bình quân của HTXNN Nhân Phúc trong các vụ sản xuất thời điểm đó thường thấp hơn kế hoạch đề ra.

Trước tình hình sâu, bệnh và lúa cỏ gây hại nặng, vụ mùa năm 2023, Hội đồng quản trị HTXNN Nhân Phúc đã xây dựng 2 mô hình lúa cấy tại địa phương. Trong đó, mô hình áp dụng lúa cấy tay diện tích hơn 5 ha và mô hình cấy lúa bằng máy (sử dụng máy cầm tay Văn Lang) gần 2 ha. Các mô hình lúa cấy này đều cho hiệu quả tốt, năng suất lúa đạt cao. Với giống lúa thuần AJ30 trong mô hình đạt 210 kg/sào, lúa Bắc thơm số 7 đạt 170 kg/sào, đều cao hơn khoảng 20 - 30% so với năng suất bình quân chung.

Từ kết quả của các mô hình, HTXNN Nhân Phúc tổ chức hội nghị đầu bờ mời người dân các thôn đến tham quan và đánh giá cụ thể về ưu điểm, thuận lợi của lúa cấy, nhất là diện tích lúa cấy máy thay cho lúa gieo thẳng. Những người dân có diện tích lúa trong mô hình cấy máy cầm tay Văn Lang đều có chung nhận xét: áp dụng cơ giới vừa giúp nâng cao về năng suất vừa thay thế được sức lao động. Để chuyển sang lúa cấy nếu áp dụng cấy thủ công thuê nhân công rất khó và cao hơn thuê máy (mỗi sào thuê công cấy thủ công từ 300 – 350 nghìn đồng) vẫn phải lo giống, gieo, chăm sóc, nhổ mạ đưa ra ruộng.

Máy cày làm đất cấy vụ xuân 2024 tại HTXNN Nhân Phúc. Ảnh: Thành Nam

Bước vào vụ lúa xuân năm nay, HTXNN Nhân Phúc đã tuyên truyền, triển khai đến các thôn, đội sản xuất về kế hoạch mở rộng lúa cấy, chủ lực là lúa cấy bằng máy thay thế lúa gieo thẳng. Việc chuyển đổi hình thức gieo cấy lúa đã nhận được sự đồng thuận của người dân. HTXNN Nhân Phúc quy hoạch vùng áp dụng máy cấy động cơ hơn 106 ha, trong đó có 20 ha thực hiện mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng (áp dụng cả khâu gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật).

Để thực hiện được kế hoạch lúa cấy máy động cơ, HTX thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh liên hệ và ký hợp đồng với đơn vị làm dịch vụ mạ khay cấy máy tại tỉnh Hải Dương. Đơn vị làm dịch vụ đảm nhiệm chuẩn bị giống lúa (toàn bộ giống lúa thuần AJ30), gieo mạ khay, chăm sóc mạ và cấy máy. Giá làm dịch vụ mạ khay, cấy máy (cả tiền giống lúa) 305 nghìn đồng/sào.

Ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTXNN Nhân Phúc cho biết: Khi triển khai đến các thôn, đội sản xuất người dân đồng ý tham gia và đều đã nộp trước 50% kinh phí dịch vụ lúa cấy máy. HTX đã trực tiếp đến cơ sở sản xuất của đơn vị làm dịch vụ để kiểm tra công tác chuẩn bị, kể cả nguồn giống công tác gieo mạ khay và máy cấy...

Cùng với diện tích lúa cấy bằng máy động cơ, 18 ha được bố trí cấy bằng máy cầm tay Văn Lang cũng được HTX triển khai đến các hộ sản xuất. Trên địa bàn, người dân đã đầu tư tổng số 4 máy làm dịch vụ cho người dân, Hội đồng quản trị HTXNN Nhân Phúc đang tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân tự mua thêm máy cấy cầm tay Văn Lang. Cũng theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTXNN Nhân Phúc, việc xây dựng diện tích cấy lúa bằng máy cầm tay Văn Lang được tính toán để có thể bảo đảm kế hoạch. Trong điều kiện máy cấy động cơ thực hiện xong sớm và còn mạ HTX làm việc với đơn vị dịch vụ hỗ trợ cấy mở rộng diện tích.

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho vụ sản xuất mới tại HTXNN Nhân Phúc đang được khẩn trương triển khai. 100% diện tích đất cấy đã được lấy đủ nước, máy cày xuống đồng bừa dập đất, một số diện tích chuyển sang bừa kép cấy. Dự kiến, ngày 15/2 việc xuống đồng cấy lúa xuân của HTX được thực hiện và hoàn thành trong khoảng 23 – 25/2, sớm hơn khoảng 7 – 10 ngày so với những vụ trước.

Được biết, cùng với mở rộng đưa cơ giới vào khâu gieo cấy, người dân địa phương đang đề nghị áp dụng cơ giới trong cả khâu phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy điều khiển từ xa. Từ việc đưa máy cấy vào đồng ruộng và thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong vụ xuân 2024, HTXNN Nhân Phúc hướng đến khép kín các khâu sản xuất của hai vụ lúa bằng máy móc cơ giới, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả trên đồng ruộng.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/dua-co-gioi-vao-san-xuat-tai-htxnn-nhan-phuc-114274.html