Đưa cơ hội việc làm đến với lao động vùng xa

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động là một trong những cách làm sáng tạo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhằm tạo cơ hội cho nhiều lao động vùng xa được trực tiếp tiếp cận với thông tin việc làm.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động ở huyện Kim Sơn.

Anh Đinh Văn Quang bắt đầu công việc là thợ sửa chữa chính của hãng xe máy Honda trên địa bàn thị trấn Phát Diệm từ hơn 4 năm nay. Thu nhập bình quân của anh Quang dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Theo anh Quang, được làm việc gần nhà, với mức thu nhập ấy coi như cũng đủ sống. Tuy vậy, khi có thông tin về phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại địa phương, anh Quang vẫn chủ động sắp xếp thời gian để tham gia.

"Tôi có đi tìm hiểu một số đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc lĩnh vực mà tôi đang làm. Nếu có các chế độ đãi ngộ tốt hơn, môi trường làm việc chuyên nghiệp và có cơ hội để phát triển hơn, tôi có thể tính đến phương án thay đổi nơi làm việc. Tôi còn trẻ, thực sự muốn được học hỏi thêm nhiều kỹ năng nghề nghiệp ở những môi trường khác để hoàn thiện tay nghề cho mình. Tham gia vào phiên giao dịch việc làm này cũng là dịp để tôi hiểu hơn về thị hiếu của thị trường đối với lĩnh vực mà mình theo đuổi."- anh Quang nói.

Chị Ngô Thị Ngát, ở xóm 4, xã Đồng Hướng cũng có mặt tại phiên giao dịch việc làm khá sớm. Chị Ngát chia sẻ, đối với phụ nữ nông thôn để tìm được được việc làm ổn định với thu nhập tốt là một vấn đề khá khó khăn, nhất là đối với những phụ nữ đã ở tuổi trung niên. Những thời điểm nông nhàn, chúng tôi tranh thủ đi làm thuê để có thêm thu nhập. Nghe tin về phiên giao dịch việc làm được tổ chức ngay tại quê mình, tôi và nhiều chị em trong xã rủ nhau cùng tới đây để tìm hiểu và được tư vấn về việc làm phù hợp. Được tiếp xúc trực tiếp với nhà tuyển dụng, chúng tôi sẽ biết được mình phù hợp với công việc nào hoặc cần phải trang bị thêm những kỹ năng gì để có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động.

Phiên giao dịch việc làm còn thu hút khá đông các bạn trẻ tới để tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu lao động, nhất là thị trường lao động Hàn Quốc. Em Đinh Công Đức, xã Cồn Thoi cho biết: Em tốt nghiệp THPT cách đây 3 năm. Hiện tại em đang làm dịch vụ sửa chữa điện nước tự do. Nguyện vọng của em là đi xuất khẩu lao động. Tuy vậy, em cũng băn khoăn không biết lựa chọn thị trường như thế nào cho phù hợp với bản thân và có sự đảm bảo về chất lượng. Thật phấn khởi khi hôm nay, mọi vấn đề em băn khoăn đều đã được ngành chức năng, các doanh nghiệp giải đáp cặn kẽ. Để có thể tham gia vào thị trường lao động tại Hàn Quốc như nguyện vọng cá nhân, sắp tới, em sẽ dành thời gian để học tiếng, trau dồi nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết khác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thị trường lao động phục hồi nhanh. Nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Nhiều lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng với quy mô lớn như giày da, may mặc, điện tử… Trung tâm Dịch vụ việc làm đã rà soát nhu cầu tuyển dụng để tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, hiện nay người lao động vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin, chưa được tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng. Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối "cung"- "cầu" lao động qua nhiều "kênh", trong đó có các phiên giao dịch việc làm lưu động.

Tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động tại Kim Sơn lần này có 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, với nhu cầu tuyển dụng trên 18 nghìn chỉ tiêu việc làm. Đáng chú ý, tại phiên giao dịch việc làm, nhiều đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín về tham gia tư vấn, giới thiệu thị trường và thông tin tuyển dụng hàng nghìn chỉ tiêu đi du học nghề, lao động tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Ngoài ra, có 2 trường cao đẳng nghề với nhu cầu tuyển sinh trên 3 nghìn người.

Theo thống kê sơ bộ, ngay trong buổi sáng khai mạc đã có hàng nghìn lao động của huyện Kim Sơn và một số địa phương lân cận đến phiên giao dịch việc làm lưu động để tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm, trong đó có khoảng 500 lao động tìm hiểu thị trường đi xuất khẩu lao động. Người lao động đã được các doanh nghiệp tiếp đón, tư vấn cụ thể, chi tiết về vị trí việc làm, mức lương và các chế độ đãi ngộ của công ty. Đây là cơ sở quan trọng giúp người lao động chủ động lựa chọn được công việc phù hợp.

Không chỉ mang tới hi vọng cho người lao động, phiên giao dịch việc làm lưu động cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình. Chị Lê Thị Nga, cán bộ phòng nhân sự, Công ty TNHH giày Athena Việt Nam, xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) cho biết, công suất của nhà máy cần tới 8 nghìn lao động, tuy nhiên hiện nay tổng số lao động của doanh nghiệp mới chỉ có 6.500 người. Vì vậy, để tuyển đủ được số lao động này, doanh nghiệp đã thực hiện các chiến dịch tuyển dụng quanh năm. Đặc biệt là thường xuyên gửi chỉ tiêu tuyển dụng tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Khi Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch tại huyện Kim Sơn, Công ty đã tới đây để trực tiếp tuyển dụng lao động. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia tuyển dụng trực tiếp ở một phiên chợ việc làm có quy mô lớn như thế này. Qua phiên giao dịch việc làm lần này, chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận với nguồn lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Bằng việc thực hiện nghiêm chế độ, chính sách và có những chế độ ưu đãi đặc thù cho người lao động, chúng tôi hi vọng sẽ thu hút được lao động về làm việc tại Công ty.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Để làm tốt hơn vai trò là cầu nối giữa cung và cầu lao động, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc thực hiện nhiệm vụ nhằm kết nối việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh. Việc ứng dụng CNTT trong công tác khai thác thị trường, kết nối việc làm có rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên vẫn còn không ít người lao động chưa có điều kiện, khả năng tìm việc làm qua các ứng dụng CNTT. Vì vậy, phiên giao dịch việc làm lưu động có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa thông tin việc làm về tận cơ sở, tạo cơ hội cho những lao động chưa có việc làm hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu làm việc nhanh chóng quay lại thị trường lao động thông qua việc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà tuyển dụng.

Với những hiệu quả thiết thực mang lại, trong thời gian tới, bên cạnh những phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ; phiên giao dịch trực tuyến; phiên giao dịch theo chuyên đề, trọng điểm… Trung tâm cũng sẽ chú trọng tổ chức các phiên lưu động đến với những địa phương ở vùng xa.

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dua-co-hoi-viec-lam-den-voi-lao-dong-vung-xa/d20221024091330295.htm