Đứa con hiền lành và bi kịch từ một lời nhắc nhở

Nhìn thấy mẹ đưa đôi tay về phía trước, mò mẫm dò từng bước hướng về phía mình, Lê Văn Hoài không kiềm lòng được mà bật khóc nức nở. Người mẹ nghe tiếng con trai khóc đôi chân càng trở nên cuống quýt...

Tính đến thời điểm gây án, Lê Văn Hoài (SN 2003, trú KP.1, P.Đông Thanh, TP Đông Hà, Quảng Trị) mới 16 tuổi 5 ngày. Hoài là chàng trai thiện tính, là đứa con hiếu thuận của gia đình vậy nên cái tin Hoài đâm chết người vì bị nhắc nhở vượt đèn đỏ chẳng khác gì sét đánh ngang tai. Bà Lê Thị Thiếp (SN 1968) còn một mắt vốn nhìn mọi thứ mờ mờ nay cũng vì sốc mà tối sầm lại, ngày hay đêm cũng chỉ còn lại một màu đen...

Giọt nước mắt ân hận

Hoài là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em. Thấy cuộc sống gia đình quá khó khăn, mẹ mù lòa, cha sức khỏe nay ốm mai đau... Hoài quyết định nhường con đường đến trường cho anh cả và hai người em, bắt đầu đi làm thêm phụ giúp gia đình.

Lê Văn Hoài thực sự hối hận vì những gì mình đã gây ra

Lê Văn Hoài thực sự hối hận vì những gì mình đã gây ra

Ý thức được cuộc sống khó khăn chàng trai đang tuổi lớn bỏ ngoài tai những lời dị nghị của đám bạn cùng trang lứa, hằng ngày theo mẹ rong ruỗi khắp nơi bán vé số. Cuộc sống dù vất vả đến mấy, trên khuôn mặt thanh tú của Hoài vẫn luôn nở nụ cười dễ mến. Một thời gian theo mẹ mưu sinh, Hoài quyết định vào Phú Yên nơi anh trai trọ học để kiếm việc làm với mong muốn tìm cơ hội thay đổi. Vậy nhưng chàng trai trẻ hiếu thuận ấy không vượt qua được nỗi nhớ mẹ cha, nhớ gia đình nên lại quyết định quay về.

Hoài đi bán cà phê rồi đi giữ xe... nơi đâu cần người, Hoài đều làm để kiếm thêm thu nhập phụ mẹ. Bà Thiếp vì thế thương Hoài vô cùng. Một đứa con trai mới hơn 16 tuổi đã sớm ý thức lo phụ cha mẹ, bà nghĩ thương Hoài đứt ruột. Nếu như bà là một người mẹ có được sức khỏe, có đôi mắt sáng như người khác dù có khổ cực đến mấy bà cũng không để Hoài phải chịu thiệt thòi như thế. Là một đứa trẻ trầm tính, hiền lành, thật thà nên khi nghe tin Hoài đâm người đi đường bà Thiếp ngã quỵ. Bà ngồi ngây ngốc một chỗ đến cả đứng dậy cũng không còn sức. Nước từ trong con mắt vốn nhắm chặt ấy chảy ra, chiếc điện thoại trong tay rớt xuống từ bao giờ. Cả người vì đau đớn mà co rúm như con tôm trông đến thảm.

Giờ nghị án, bà Thiệp đến bên con trai nước mắt nhạt nhòa

Tại Tòa, một lần nữa bà lại nghe diễn biến vụ án mạng đau lòng mà con trai bà là hung thủ. Ngày 4/4/2019, Hoài điều khiển xe máy điện chở bạn gái là Xuân H. (SN 2003) lưu thông trên đường Hùng Vương (TP Đông Hà). Khi đi qua ngã tư, Hoài thấy đèn giao thông đang ở trạng thái màu xanh và hiển thị số 01 nên tăng ga cho xe chạy nhanh qua vạch người đi bộ thì suýt xảy ra va chạm với xe máy do anh M.X.L điều khiển. Thấy vậy, anh L. nhắc nhở Hoài: “Mi thích chết à, răng mi vượt đèn đỏ”. Hoài liền trả lời: “Còn đèn vàng mà anh”. Khi anh L. nói “Mi còn cãi à...” thì Hoài văng tục rồi tiếp tục chạy đi. Thấy một đứa trẻ ăn nói hư hỗn, anh L. bức xúc, chạy xe máy đuổi theo Hoài.

Xuống xe, câu đầu tiên anh L. nói với Hoài là “Mi mất dạy à?”. Có lẽ anh L. chỉ muốn dạy dỗ đứa trẻ này nhưng diễn biến lại sang một hướng khác. Anh L. dùng tay đánh vào má Hoài 1 cái, tiếp đó lấy mũ bảo hiểm (MBH) đang đội đánh 3 cái vào đầu Hoài. Thấy Hoài bị đánh, Xuân H. đi đến ôm anh L. để can ngăn nhưng bị đẩy ra. Anh L. cầm MBH tiếp tục đánh vào Hoài thì Hoài rút dao bấm trong túi quần ra. Anh L. liền nói “Mi đem dao ra à?” rồi vẫn tiếp tục sấn đến. Hoài yêu cầu anh L.dừng lại đừng tiến đến, nếu cứ đến Hoài sẽ đâm nhưng anh L. không dừng và Hoài đã đâm khiến anh L. tử vong.

Cha mẹ Hoài xin lỗi gia đình bị hại vì nỗi đau con mình gây

Suốt quá trình xét hỏi, Hoài không ngừng rơi nước mắt. Hoài biết hành vi của mình đã vi phạm pháp luật nhưng Hoài cũng phân trần rằng chỉ mang dao để phòng thân và rút dao ra chỉ để đe dọa anh L. trong lúc anh L. tấn công Hoài tới tấp. Nhìn nhận một cách khách quan, trong vụ án đau lòng này nạn nhân cũng có một phần lỗi, tuy nhiên hành vi của Hoài cũng không thể bào chữa bằng những lý do trên. HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên Hoài mức án 5 năm 6 tháng tù về tội “Giết người”.

Nỗi đau người ở lại

Phiên tòa xử Hoài rất đông người dự khán, không khí bao trùm bởi sự ngột ngạt thê lương. Cha mẹ Hoài khắc khổ, đến từng bước di chuyển cũng khó khăn, chậm chạp. Đối diện họ, gia đình bị hại trong vành trắng khăn tang, đôi mắt đỏ hoe với nỗi đau vẫn còn vẹn nguyên, không giấu được sự mệt mỏi trên từng gương mặt.

Vợ bị hại nghẹn ngào, “chồng tôi mất đi khi con thơ mới vài tháng tuổi, tôi không việc làm, cha mẹ già ốm đau không còn người trông cậy. Nỗi mất mát này không bao giờ có thể bù đắp được...”. Quả không sai, chỉ một mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông mà tan nát hai gia đình, đau đớn ấy không thể nào đong đếm. Người phụ nữ ấy góa bụa khi còn quá trẻ, con thơ mồ côi từ khi chưa kịp nhận biết mặt cha, bố mẹ già phải cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh” vĩnh viễn mất đi đứa con trụ cột. Những tưởng nỗi đau và phẫn nộ sẽ làm mất sự độ lượng của gia đình bị hại nhưng không, họ đã khiến bị cáo bật khóc. Gia đình bị hại xin giảm nhẹ hình phạt để Hoài có cơ hội sớm về với gia đình, làm lại cuộc đời...

Vợ con bị hại đau đớn khi mất đi trụ cột gia đình

Cách hàng ghế gia đình bị hại ngồi là khoảng trống chừng sải tay, cha mẹ Hoài dường như nín thở mỗi lúc nghe họ nhắc đến nỗi đau mất con trai. Họ cũng là cha là mẹ nên họ thấu nỗi lòng đau đớn ấy. Với họ, Hoài có đi tù 5-7 năm hay nhiều hơn đi chăng nữa, họ vẫn còn con để đợi ngày trở về. Còn gia đình bị hại thì sao, họ đau nỗi đau mất con là vĩnh viễn. Vậy nên, nếu họ có không rộng lượng thứ tha đi chăng nữa ông bà cũng không dám một lời oán trách.

Bà Thiếp còn nhớ ngày Hoài gây án trời Quảng Trị nắng như đổ lửa. Cùng với nắng gắt là gió Lào quần quật thổi thiêu đốt da nhưng người làm mẹ như bà lạnh từ trong xương tủy. Cái cảm giác ấy, ngay lúc đứng đối diện với con trai, đối diện với gia đình bị hại bà lại cảm nhận nó đang ập vào mình. Cả người bà cứ run lên từng chặp, hàm răng không tự chủ được va vào nhau mà phát ra tiếng lách cách. Phải cố gắng lắm bà mới thốt ra được mấy câu xin lỗi gia đình bị hại một cách “tròn vành rõ chữ”. Bà nói rằng “con dại cái mang”, bà biết lời xin lỗi của mình cũng không thể làm vơi nỗi đau của gia đình bị hại, cũng chẳng thể giúp được con bà trở lại là đứa trẻ của ngày xưa nhưng đó là những lời nói từ tâm.

Người thân bị hại

Hoàn cảnh gia đình bà thuộc hộ nghèo, nợ nần chồng chất nhưng không vì thế mà bà chối bỏ hay chần chừ khi HĐXX nhắc đến số tiền bồi thường 131 triệu đồng cho gia đình bị hại cùng 1,5 triệu đồng hằng tháng chu cấp cho con của bị hại đến năm 18 tuổi. Trước đây bà có thể cho phép mình mệt mỏi, yếu đuối... nhưng nay chắc chắn là không. Bà sẽ làm tất cả chỉ mong có thể bù đắp phần nào cho những đau thương của người khác mà con bà gây ra. Bà nhất định sẽ làm!

Giờ nghị án, Hoài đã ôm lấy mẹ khóc nức nở, lời xin lỗi mẹ vì thế mà không chút rõ ràng. Phiên tòa kết thúc, Hoài nhanh chóng được lực lượng dẫn giải đưa ra xe về lại trại tạm giam, đầu liên tục quay lại phía sau nhìn cha mẹ.

Trên sân tòa, người phụ nữ trẻ đầu vấn khăn tang bồng trên tay đứa trẻ còn nằm ngửa, nước mắt nhạt nhòa bước từng bước mệt mỏi. Cách đó không xa, bà Thiếp nắm lấy vạt áo chồng trong dáng xiêu vẹo mò mẫm từng bước đi, mếu máo miệng không ngừng gọi tên con trai.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/dua-con-hien-lanh-va-bi-kich-tu-mot-loi-nhac-nho-23544.html