Đưa công nghệ Israel về với người Mông

'Tư duy nông nghiệp ăn sâu trong tiềm thức của không ít người Mông từ trước tới nay là mở rộng thêm diện tích đất gieo trồng khi những mảnh đất cũ đã bạc màu. Họ có thể phá rừng để có đất canh tác, dẫn tới tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng và nhiều hậu quả khác. Tôi muốn thay đổi tư duy đó'- Chàng trai dân tộc Mông Giàng A Dạy (24 tuổi) phấn chấn nói với tôi như vậy, trong khi cậu đang phải lo từng giọt nước tưới cho trang trại rau giống theo công nghệ Israel của mình.

Bài 1: Chuyện của cô gái Mông bán hàng rong trở thành giám đốc du lịch

Giàng A Dạy chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến về những điều đã học được ở Israel. Ảnh: Bích Nguyên

Vượt hàng ngàn cây số tìm câu trả lời

Dạy sinh ra và lên ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Châu, Sơn La. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, chàng trai tâm sự: “Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún của bà con, hạn chế việc mở rộng khai hoang đất rừng; làm thế nào canh tác hiệu quả trong điều kiện thiếu nước như ở quê tôi. Những câu hỏi đó luôn đeo đẳng tôi. Khi bước chân vào giảng đường đại học (Đại học Tây Bắc), tôi được mở mang nhiều thứ. Tôi biết Israel là một nước nhỏ, chủ yếu là đất cát và rất thiếu nước nhưng lại là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tôi ấp ủ được một lần sang đất nước Israel để xem người ta sản xuất nông nghiệp thế nào” – Dạy tâm sự.

Năm 2015, trường Đại học Tây Bắc có 2 suất đi tu nghiệp sinh tại Israel. “Đó là một cơ hội và tôi chớp ngay. Là chương trình mở, không phải học bổng 100% nên phía đối tác chỉ hỗ trợ thị thực, liên kết nơi thực tập, còn lại chi phí máy bay tôi phải tự túc. Vé máy bay là khoản tiền khá lớn đối với hoàn cảnh gia đình tôi. Không muốn vuột mất cơ hội, tôi đã dùng mọi cách thuyết phục gia đình vay mượn 30 triệu đồng để đi” – Dạy kể.

Sang Israel, Dạy được làm việc tại một trang trại ươm cây giống của tập đoàn sản xuất rau giống lớn thứ 3 Israel. “Với một niềm tin cố định, không lay chuyển là phải thay đổi được phương thức canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở quê tôi, tôi đã tận dụng hết thời gian mình có để học tất cả những điều cần thiết nhất ở Israel có thể giúp ích cho quê hương” – Dạy chia sẻ.

Với tinh thần ấy, chàng sinh viên này xin một mảnh vườn nhỏ nơi cậu cư trú thực hành sản xuất nông nghiệp, bắt đầu từ khâu xử lý đất, trồng cây theo phương pháp hữu cơ, áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt… “Vườn của tôi được tạo dựng trên nền đất cát. Tôi tận dụng xơ dừa và chút đất còn sót lại trong các chậu cây giống đổ lên vườn của mình và trồng cây theo công nghệ Israel. Mảnh vườn nhỏ đó giúp tôi hiểu hơn về nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng phân bón, không có yếu tố tham gia của các tác nhân từ bên ngoài. Hầu như các vấn đề khó khăn tôi gặp phải đều được các chuyên gia giải đáp cụ thể” – Dạy nhớ lại.

Sau 11 tháng tu nghiệp tại Israel, tháng 8-2016, Dạy trở về nước với hành trang đầy ắp kiến thức. Dạy vui vẻ cho biết: “Israel đã giải đáp được cho tôi nhiều vấn đề về nông nghiệp của địa phương tôi. Tôi học được công nghệ tưới nhỏ giọt. Nó rất phù hợp với vùng đất quanh năm thiếu nước quê tôi. Tôi cũng học được cách kiểm soát dịch bệnh tổng hợp. Kiểm soát được dịch hại sẽ hạn chế được rất nhiều việc sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu trong sản xuất và bảo đảm được chuỗi giá trị sạch. Và điều hữu ích nhất tôi học được là tư duy nông nghiệp hiện đại, tức là ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp”.

Hiện thực hóa ước mơ

Cần mẫn, chịu khó làm thêm ngày nghỉ, ngoài vốn kiến thức, trong thời gian ở Israel, Giàng A Dạy còn tích cóp được khoản tiền hơn 100 triệu đồng khi trở về Việt Nam. Sau khi trả các khoản nợ, còn trong tay 80 triệu đồng, chàng trai trẻ này đầu tư mở trang trại nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ Israel trên chính mảnh đất quê hương.

Dạy chia sẻ: “Tôi muốn ứng dụng những kiến thức đã được học để xây dựng quê hương, trở thành một tấm gương để bà con học theo. Tôi vận động bà con góp đất, sản xuất những sản phẩm truyền thống như rau và vật nuôi không sử dụng hóa chất và khôi phục lại các giống cây rau đã bị cạn kiệt, trong số đó có những loại rất tốt cho sức khỏe nhưng chưa trở thành hàng hóa, chưa được đưa ra thị trường”.

Về nước được 2 tuần, Dạy bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Kinh phí hạn hẹp, Dạy tận dụng nguyên liệu có sẵn như tre, nứa làm nhà lưới và xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cũng như tưới phun mưa trong khu vườn ươm giống rau. Dạy ươm cây giống trên giá thể hữu cơ, khác với phương pháp truyền thống là tra hạt xuống đất xong mới nhổ cây giống ra trồng.

“Phương pháp canh tác cũ đó không làm quy mô lớn được, rất tốn công, tỉ lệ hạt nảy mầm không cao và tỉ lệ cây trồng sống rất thấp. Bên cạnh đó, rất khó kiểm soát chất lượng cây giống. Còn phương pháp ươm trên giá thể hữu cơ sẽ bảo vệ hạt giống cao hơn, kiểm soát được ngày nảy mầm, khi lấy cây giống ra khỏi giá không bị đứt rễ và tỉ lệ sống đạt 100%” – Dạy cho biết.

Giàng A Dạy kiểm tra vườn rau được trồng theo công nghệ Israel. Ảnh: Đ.A

Hiện, chàng trai người Mông này đã xây dựng thành công vườn ươm cây giống bán cho bà con và một vườn rau với nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao như củ hồi. Tất nhiên, trong quá trình xây dựng vườn giống, Dạy gặp không ít khó khăn và thách thức.

“Vì trồng theo phương pháp hữu cơ nên có rất nhiều dịch hại. Tôi có phương pháp kiểm soát, nhưng chỉ được một phần vì khí hậu Việt Nam rất thuận lợi cho sâu bệnh phát triển. Vấn đề nan giải nhất là nước tưới, dù tôi đã sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Với sự tính toán của tôi, đến giữa tháng 11, con suối trong bản vẫn đủ cung cấp nước cho vườn của tôi. Không ngờ suối bị cạn nước trước dự định. Vườn rau đang trong độ sinh trưởng nếu thiếu nước thì sẽ hỏng hết. Tôi phải đi khảo sát và tìm được nguồn nước cách đó rất xa, khoảng 2km. Để đưa được nước từ đỉnh đồi về vườn phải đi qua rất nhiều khe núi đá. Với sự giúp đỡ của người thân, tôi đã dẫn được nước về” - Dạy kể.

Dấn thân vào nông nghiệp, lại là nông nghiệp sạch trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, thiếu thốn nhiều thứ, có lúc tưởng như thất bại nhưng Dạy không hề nản chí. “Tôi luôn luôn tin là mình sẽ thành công dù hiện tại đang rất khó khăn và vất vả. Với tôi, khó khăn là bước đệm để tôi vượt qua, đi tới tương lai tốt đẹp hơn” - Dạy chia sẻ.

Hiện tại, sản phẩm cây giống và rau của Dạy đã có mặt trên thị trường. Trong tương lai, chàng trai trẻ này mong muốn được kết nối với các tổ hợp tác xã để mở rộng sản xuất và mở rộng thị trường hơn nữa.

Bài 3: Làm giàu không khó

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dua-cong-nghe-israel-ve-voi-nguoi-mong/