Đưa đặc sản nhãn Hưng Yên vươn xa

Do thổ nhưỡng thích hợp, lại được phù sa từ dòng sông Hồng bồi đắp nên nhãn Hưng Yên có hương vị ngọt thơm mà ít vùng đất nào sánh được.

Được mệnh danh là thủ phủ của các loại nhãn, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản, mang lại hiệu quả cho người dân.

Giới thiệu đặc sản nhãn lồng tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn, nông sản Hưng Yên năm 2022. Ảnh: MẠNH KIÊN

Năm 2022, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 5 nghìn héc-ta trồng nhãn. Do ảnh hưởng của thời tiết, nhãn lồng Hưng Yên vào vụ thu hoạch muộn hơn hằng năm nhưng vẫn là một năm được mùa với sản lượng nhãn toàn tỉnh ước đạt 45-47 nghìn tấn, trong đó 70% sản lượng được truy xuất nguồn gốc xuất xứ; 45-50% sản lượng đạt tiêu chuẩn VietGap. Việc mở rộng các vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGap có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, người dân các vùng trồng nhãn tại Hưng Yên rất tích cực thay đổi phương thức sản xuất nhằm bảo đảm các điều kiện tham gia đăng ký cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Quyết Thắng (xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) cho biết, những năm gần đây, hợp tác xã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phối hợp với các cơ quan thành phố mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, tạo ra các loại nhãn chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên nhãn của hợp tác xã cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận. Đầu tháng 8, hợp tác xã đã gửi sản phẩm mẫu sang một số quốc gia tại thị trường châu Âu, tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên cho những năm tiếp theo.

Khẳng định, không chỉ chú trọng vào mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cho trái nhãn, những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên còn tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm đặc sản này để tránh tình trạng được mùa mất giá, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh Hưng Yên đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, áp dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, kết nối chặt chẽ với hệ thống tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực trong sản xuất, tiêu thụ nhãn lồng cũng như nông sản của tỉnh, phục vụ tốt nhất cho giao thương, kết nối tiêu thụ nhãn lồng và nông sản để không xảy ra tình trạng được mùa mất giá. “Hưng Yên sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, thương nhân trong và ngoài nước tiếp cận các cơ hội kinh doanh, ký kết hợp đồng mua bán tiêu thụ nhãn lồng và nông sản của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh.

Để việc sản xuất, tiêu thụ nhãn và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hưng Yên được thuận lợi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và nước ngoài; tích cực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thương vụ ở các thị trường lớn, quan trọng như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng cường phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết để mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu hàng nông, thủy sản có tính mùa vụ.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dua-dac-san-nhan-hung-yen-vuon-xa-702785