Đùa 'dại' ngày Cá tháng Tư bị phạt 15 triệu đồng

Sau khi bị cơ quan công an triệu tập, làm việc và bị xử phạt 15 triệu đồng thì chị H. mới biết hành vi nói đùa trên mạng xã hội của mình là vi phạm pháp luật.

Trong ngày Cá tháng Tư, nhiều người đã cố suy nghĩ để tìm ra muôn kiểu đùa “độc lạ” để có thể khiến càng nhiều người mắc lừa càng tốt, càng gây sốc càng tốt.

Và cái giá phải trả cho việc đó có thể rất đắt, thậm chí phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật do không nhận ra ranh giới giữa lời nói dối vô hại và lời nói dối độc hại.

Bị xử phạt 15 triệu đồng vì nói đùa trên mạng xã hội ngày Cá tháng Tư (Ảnh minh họa: Capcut).

Bị phạt 15 triệu đồng vì đùa "dại" trong ngày Cá tháng Tư

Quay lại thời điểm căng thẳng của đại dịch Covid-19, vào ngày 1/4/2020, lúc này cả nước đang hết sức căng thẳng vì chống dịch, cũng là ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị cách ly toàn xã hội của Thủ tướng.

Việc phát hiện, cách ly các ca dương tính với SARS-Cov2 đang là giải pháp chống dịch cực kỳ quan trọng. Dựa vào mức độ "hot" này, nhiều bạn trẻ đã tạo ra cú lừa gây "sốc" trong ngày Cá tháng Tư năm 2020, điển hình là vụ việc của cô gái 22 tuổi tên H. ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cụ thể, H. đăng lên Faecbook dòng thông báo: "Hiện tại mình bị cách ly do nghi ngờ nhiễm Covid-19. Hôm qua mình có vào Vân Xô mua đồ lúc 12h và đi chợ Cơ Khí lúc 16h. Ai ở hai khu vực đó thì vui lòng đi khai báo y tế nhé. Hãy là một người có ý thức vì cộng đồng”.

Cùng ngày, một thanh niên ở Quế Phong, Nghệ An cũng đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân: "Dương tính Covid-19 rồi, làm sao đây! Toang rồi bà con ơi".

Bài đăng này lập tức được chia sẻ và gây hoang mang cho nhiều người. Ngay sau đó, H. và thanh niên trên bị cơ quan công an gọi đến làm việc và xử phạt H. 15 triệu đồng, thanh niên trên 10 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật.

Sau khi bị phạt tiền thì hai người này mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân.

Ngoài ra, việc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, thông tin giả mạo, sai sự thật gây những hậu quả khác cũng bị xử phạt. Đặc biệt, nếu thông tin giả đó xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác, người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định của Bộ luật Hình sự.

Trong thời của mạng xã hội ngày nay, việc tung ra trò đùa có thể khiến hàng nghìn, hàng triệu người mắc lừa có sức hấp dẫn lớn với nhiều cư dân mạng, nhưng hậu quả của những trò đùa lố, đùa ác cũng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế, mọi người càng nên cảnh giác với chính mình để không đi quá xa khi trêu đùa bằng câu nói dối trên không gian số.

Trong đời thực cũng vậy, câu lừa mà bạn nghĩ là vô hại thật ra có thể gây tổn thương, tai nạn cho người khác mà bạn không biết. Đã có người kinh hãi lao ra đường khi bị lừa là thân nhân gặp nạn, để rồi chính họ bị tai nạn giao thông thật sự.

Ngày Cá tháng Tư là ngày gì?

Ngày Cá tháng Tư (hay còn gọi là ngày nói dối, ngày nói đùa) là ngày hội mà trong đó, người ta được phép tung nhiều tin đồn hoặc lời nói đùa vô hại để đánh lừa người khác, nhằm mục đích mua vui cho bản thân và mọi người mà không chịu những lời chỉ trích, tác hại nào.

Ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ đâu?

Tuy đã rất phổ biến trên thế giới nhưng cho tới hiện tại nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn còn nhiều bí ẩn với những nguồn gốc khác nhau.

Nhiều tài liệu cho rằng nước Pháp chính là quê hương của ngày Cá tháng Tư. Bởi vào thế kỷ XVI, mùa lễ hội hàng năm của đất nước này bắt đầu vào ngày đầu tháng Tư nên năm mới được tính bắt đầu từ ngày 1/4, ngày được xem là đầu tiên của mùa xuân.

Nhưng vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1/1. Tuy nhiên, phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết có sự thay đổi đó.

Những người khác tuy biết vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4. Trò ngoan cố này bị quy là "ngớ ngẩn" và trở thành trò cười cho thiên hạ. Một số người khi biết được điều này đã lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1/4 năm đó là "ngày nói dối".

Cũng từ đó, cái tên "Cá tháng Tư" hay "ngày nói dối" chính thức xuất hiện.

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư là ngày có ý nghĩa tốt đẹp, mang lại tiếng cười, niềm vui cho cuộc sống, thông qua những trò đùa vô hại. Những lời nói dối sẽ được thoải mái nói ra, miễn là chúng không đi quá xa.

Ngoài ra, ở mỗi quốc gia, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Người dân mỗi quốc gia sẽ tiếp nhận truyền thống này theo cách riêng để trêu gia đình và bạn bè.

Ngọc Bích

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/dua-dai-ngay-ca-thang-tu-bi-phat-15-trieu-dong-20240401105032692.htm