Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi. Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ số sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững, đồng thời là 'cây cầu' kết nối các thế hệ trong bảo tồn, lưu giữ di sản của cha ông.

Sử dụng công nghệ hình ảnh 360° kết hợp video clip, âm thanh, hình ảnh, chỉ cần thao tác quét mã QR, du khách sẽ có được thông tin đầy đủ, chi tiết về nhiều di tích lịch sử của Thủ đô.

Sử dụng công nghệ hình ảnh 360° kết hợp video clip, âm thanh, hình ảnh, chỉ cần thao tác quét mã QR

Thay vì trưng bày hiện vật lịch sử để du khách và học sinh tới tham quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa đã thay đổi việc trưng bày truyền thống bằng việc tái hiện truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương bằng trường bắn để du khách trải nghiệm trò chơi bắn nỏ. Điều này khiến cho du khách, đặc biệt các em học sinh tới tham quan rất thích thú.

Nhiều hoạt động trải nghiệm khiến du khách thích thú

Chúng tôi tập trung vào ba giải pháp. Thứ nhất là làm tốt công tác quản lý, bảo tồn toàn bộ khu di tích Cổ Loa. Thứ hai là nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với các giá trị lịch sử. Thứ ba, từ những sản phẩm đó, chúng tôi sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch. Ông Hoàng Công Huy - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý khu di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, du khách sẽ được trải nghiệm cách làm và thưởng thức món bún xào cần Mạch Tràng nổi tiếng. Tương truyền, món bún xào cần được dân làng làm trong đám cưới của công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy, kể từ đó, đây là món ăn truyền thống và đặc sản của người Cổ Loa không thể thiếu trong các dịp lễ, tết quan trọng của địa phương.

Món bún xào cần được dân làng làm trong đám cưới của công chúa Mỵ Châu và Trọng Thủy

Công nghệ ngày càng phát triển kéo theo đó là xu hướng trải nghiệm bảo tàng online. Bảo tàng Hồ Chí Minh có các chương trình giáo dục online theo chủ đề quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Bác, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, Bác Hồ với thiếu nhi...

Việc phát triển các phòng trưng bày triển lãm, bảo tàng ảo là xu hướng chung của ngành bảo tàng thế giới cũng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cập nhật. Chỉ cần click chuột, du khách có thể lắng nghe mọi thông tin chi tiết về các hiện vật tại đây với Tour tham quan 3D.

Bảo tàng ảo là xu hướng chung của ngành bảo tàng thế giới cũng được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cập nhật

Bên cạnh đó, không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES cũng được rất nhiều công chúng yêu thích. Với mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian, không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến còn mang tính chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ họa sỹ đương đại.

Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES cũng được rất nhiều công chúng yêu thích

Hoạt động này được kỳ vọng đặt nền móng cho một thị trường mỹ thuật hiện đại, tiệm cận trình độ quốc tế.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/dua-di-san-van-hoa-den-gan-hon-voi-cong-chung-235757.htm