Đưa doanh nghiệp vào quản lý công trình nước sinh hoạt ở Tương Dương

Tương Dương (Nghệ An) là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, được hưởng nhiều chương trình, dự án về nước sinh hoạt của Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều công trình nước sinh hoạt ở các thôn, bản đã bị xuống cấp, hư hỏng, do cách quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiếu hiệu quả của các địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2015, huyện Tương Dương đã quyết định đưa doanh nghiệp vào quản lý các công trình này.

Từ khi có doanh nghiệp quản lý các công trình nước sinh hoạt, không những tiết kiệm được nguồn nước mà còn giảm chi phí cho việc duy tu, sửa chữa.

Từ khi có doanh nghiệp quản lý các công trình nước sinh hoạt, không những tiết kiệm được nguồn nước mà còn giảm chi phí cho việc duy tu, sửa chữa.

Khoảng 5 năm về trước, các xã gần trung tâm huyện Tương Dương gồm: Thạch Giám, Xá Lượng, Tam Thái, luôn xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do hệ thống nước sinh hoạt xuống cấp, hư hỏng, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Thông qua nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tương Dương thí điểm giao hệ thống cấp nước sinh hoạt bản Cây Me, xã Thạch Giám cho doanh nghiệp vào trực tiếp quản lý, vận hành. Công trình được đầu tư xây dựng từ năm 2015, với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng, trải qua ba năm hoạt động, đã cung cấp nước đều đặn cho hơn 200 hộ gia đình bản Cây Me. Việc có nước sinh hoạt ổn định khiến người dân rất phấn khởi.

Trưởng bản Cây Me Lô Văn Hòa cho biết: “Trước đây, ở bản cũng có công trình nước tự chảy dùng chung với các bản Mác, Lau, Nhẫn, do Chương trình 135 của Chính phủ đầu tư, nhưng luôn trong tình trạng không đủ nước dùng, người dân phải gánh nước sông về sử dụng. Nhưng từ khi làm công trình nước sinh hoạt mới, giao cho doanh nghiệp quản lý, thì người dân đã có nước dùng thoải mái”.

Trên thực tế, việc đưa doanh nghiệp vào quản lý, thậm chí là tự đầu tư xây dựng các công trình nước, đối với các địa phương ở đồng bằng, thành thị không còn xa lạ. Tuy nhiên, với huyện nghèo Tương Dương, ý tưởng đưa doanh nghiệp, tổ hợp tác xã vào quản lý công trình nước sinh hoạt là việc làm mang tính đột phá. Bởi vì, các công trình nước sinh hoạt trước đây trên địa bàn huyện, do Nhà nước đầu tư, đều giao thôn, bản quản lý, người dân không phải đóng phí sử dụng, cho nên thường có tâm lý ỷ lại trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp sửa chữa, dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng. Chính vì vậy, bước đầu thực hiện theo cách làm này, huyện Tương Dương, cũng như các đơn vị doanh nghiệp tiếp quản cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật tư nông nghiệp huyện Tương Dương Trần Viết Dũng chia sẻ: Trước đây, người dân sử dụng nước tự chảy, không phải mất tiền, còn khi doanh nghiệp quản lý thì phải đóng kinh phí, cho nên họ không đồng tình, ủng hộ, gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành. Do đó, ban đầu số lượng người dân thực hiện theo chủ trương này chỉ chiếm khoảng từ 30 đến 40%, nhưng bằng sự cố gắng vận động tuyên truyền của chính quyền và đơn vị, đến nay, toàn bộ người dân đã đồng tình ủng hộ.

Huyện miền núi Tương Dương hiện có hơn 105 công trình nước sinh hoạt lớn, nhỏ, trải khắp ở 154 thôn, bản, khối, xóm, trong đó chỉ có bảy công trình do doanh nghiệp quản lý. Hiện bảy công trình này đang hoạt động, vận hành cấp nước đáp ứng yêu cầu của người dân, kể cả mùa khô hạn. Việc đưa doanh nghiệp vào trực tiếp quản lý không những bảo đảm nguồn nước sinh hoạt mà còn giảm chi phí duy tu, sửa chữa hằng năm của địa phương, đồng thời nâng cao ý thức tiết kiệm nước cho người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Kha Văn Ót cho biết: Để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn, huyện đã có chủ trương đưa doanh nghiệp quản lý trực tiếp bảo dưỡng các công trình, điển hình như ở các xã Thạch Giám, Tam Thái đã phát huy hiệu quả. Mức phí thu từ 1.000 đến 2.500 đồng/m3 là phù hợp với đời sống, thu nhập và nhu cầu của người dân. Qua hơn ba năm triển khai, việc người dân có nước sử dụng ổn định, Nhà nước không phải cấp tiền để duy tu sửa chữa hằng năm thật sự đem lại nhiều lợi ích. Trong thời gian tới, huyện Tương Dương sẽ thực hiện giao doanh nghiệp quản lý các công trình nước ở các xã Tam Quang, Tam Đình, Xá Lượng, cũng như các địa bàn vùng trong như Yên Na, Yên Hòa, Nga My…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tương Dương còn có gần 40 công trình nước sinh hoạt đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Đáng chú ý, một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các công trình nước sinh hoạt thường xuyên bị ảnh hưởng do lũ ống, lũ quét như Lượng Minh, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Na, vào mùa nắng hạn cao điểm thường thiếu nước nghiêm trọng.

Trong khi đó, để sửa chữa, khắc phục các công trình nước sinh hoạt đã bị hư hỏng, xã lại không có kinh phí, cho nên một số địa phương cũng rất mong muốn đưa doanh nghiệp vào quản lý, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh Vi Đình Phúc cho biết: “Công trình nước sinh hoạt của xã được Nhà nước đầu tư tại tất cả 12 bản, nhưng có tới chín công trình đã bị hư hỏng. Ban quản lý các bản thì không chú tâm trong việc sửa chữa, vì “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, xã là địa phương nghèo nhất huyện, việc tìm nguồn kinh phí để sửa chữa hằng năm rất khó khăn, cho nên cũng mong muốn huyện đưa mô hình doanh nghiệp quản lý nước vào xã Lượng Minh, để nhân dân được sử dụng nước ổn định”.

Hiệu quả từ mô hình đưa doanh nghiệp vào quản lý nước sinh hoạt ở huyện Tương Dương sẽ được nhân rộng ra toàn huyện trong thời gian tới. Từ đó góp phần ổn định sản xuất, đời sống dân sinh, tiết kiệm được kinh phí sửa chữa, cũng như tài nguyên nước trên địa bàn huyện 30a này.

Bài và ảnh: ĐÌNH TÝ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/36375802-dua-doanh-nghiep-vao-quan-ly-cong-trinh-nuoc-sinh-hoat-o-tuong-duong.html