Đứa em trai của mẹ

Chị gọi người cậu của mình như vậy một cách trìu mến, vì cậu luôn hiện trước mắt chị là người em trai ngoan ngoãn với mẹ mình…

Người cậu đó với chị của mình lúc nào cũng như đứa em nhỏ mấy chục năm trước, hiền lành nhưng tỏ ra cứng rắn mỗi khi cần bênh vực chị gái.

Hôm qua, mẹ chị gọi điện cho cậu nhờ làm cho cái lều tạm bằng tôn trên vườn nhà. Cái lều này chủ yếu để dụng cụ, phân bón... dễ làm, thuê ai cũng được nhưng mỗi khi có việc là bà lại thích nhờ đứa em của mình.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Người cậu vâng lời và ngày mai lịch kịch mang đồ hàn đến, đưa cả vợ cậu theo làm phụ. Cậu chủ động gọi vật liệu rồi cả hai vợ chồng làm lều, đổ cát tôn nền hết một ngày mới xong. Nắng hầm hập, cậu mồ hôi nhễ nhại, da mặt đã đen lại càng bóng hơn. Gặp chị, cậu với khuôn mặt bầu bĩnh há miệng cười: “Xem lều cậu làm có đẹp không? Bọn mày mà chọc giận bà ấy, bà dọn lên đây ở đấy”.

Buổi chiều tối, mẹ chị nấu cơm đãi cậu, có thêm chai rượu trắng nhỏ. Thế là xong. Cậu chưa bao giờ làm gì cho bà mà lấy tiền. Mẹ chị kể: “Hồi cậu còn trẻ, cứ đến ngày là đi cày, đi bừa cho nhà chị gái xong mới quay về làm cho nhà mình, tức nhà ông ngoại. Mọi người biết tính cậu thích là làm, không ai cản”.

cậu có tới 7 anh chị em, cậu là con trai út. Do mẹ mất sớm khi cậu còn nhỏ nên cậu được cưng chiều nhất. Mẹ chị là chị cả nên là người chăm sóc cậu nhiều nhất.

Trong nhà ai cũng chiều cậu. Có lẽ vì vậy mà khi nghe tin bố mình chuẩn bị đi bước nữa, cậu đang làm thuê ở xa nhà đến 30 cây số liền đi bộ về nhà, kiên quyết không cho chuyện này xảy ra. Lúc đó, ông ngoại thương cậu mồ côi mẹ từ nhỏ, thiếu vắng tình thương của mẹ nên ông đành ở vậy nuôi con, dù lúc đó ông mới ngoài 40 tuổi.

Cậu học không giỏi, nhưng làm việc gì cũng giỏi. Học hết cấp 2, cậu nghỉ học ở nhà làm ruộng. Ruộng nhà ông ngoại, chủ yếu cậu làm. Lớn hơn một chút, cậu làm thợ mộc. Cậu đóng đồ gỗ rất khéo, nhiều người thuê. Nhưng trong nhà có nhiều người làm thợ mộc, cậu thích làm khác đi rồi đi làm thợ xây.

Từ người phụ hồ, cậu thành thợ chính, rồi thầu làm nhà đủ loại, có nhà biệt thự. Mới đây, cậu còn làm tháp chuông cho nhà thờ trong xã cao chót vót. Những người đến xem cái tháp chuông lúc đào móng đều lắc đầu lè lưỡi vì độ sâu của nó; sau lại ngước cổ thán phục những thợ xây vì độ cao của tháp.

đã qua tuổi 50, cậu bớt làm thợ xây, chuyển qua làm thợ sắt. Cậu nói: “Mình là thợ chính, không chỉ tay năm ngón được. Làm thợ xây phải leo trèo nguy hiểm, nên chuyển qua làm thợ sắt”. Cậu làm gì cũng cẩn thận, lấy tiền công thấp nên được nhiều người nhờ làm. Nhưng dù bận bịu đến mấy, khi mẹ chị nhờ là cậu có mặt.

Lúc mẹ chị nằm viện vì bị tai nạn lao động, cậu bỏ làm để lên viện túc trực, chăm sóc. Chị nói: “Cậu cứ về nghỉ. Bọn cháu thay phiên trực. Cậu còn bận bao nhiêu việc”.

Cậu nghe vậy không nói gì rồi đi ra căng tin bệnh viện một lúc lại quay về phòng bệnh. Ở bệnh viện mấy ngày, cậu mới để các cháu thay việc chăm sóc mẹ chị.

Hôm mẹ chị được xuất viện, cậu mừng rỡ như một đứa trẻ. Cậu nói với các cháu: “Bọn mày dẫn cả mấy đứa nhỏ xuống nhà cậu ăn cơm”. Cậu chợt nghiêm trang khác với thường ngày nói: “Mẹ bọn mày vất vả nhất nhà.

Đông con mà chồng thì mất sớm. Hồi nhỏ bà đã vất vả rồi vì phải chăm các em, nhất là cậu. Hồi đó, cậu mà không có mẹ bọn mày chăm thì không được như bây giờ đâu, rồi lại sẽ lêu lổng như mấy đứa trẻ thiếu tình thương”.

Chị nhìn cậu thấy khuôn mặt cậu dễ thương đến lạ, chợt nghĩ về những chị em nhà mình: “Không hiểu mọi người có nghĩ đến tình anh em ruột thịt quan trọng như thế nào không nhỉ?”.

Phương Cát

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dua-em-trai-cua-me.html