Đưa gạo chất lượng cao vào thị trường nội địa

Theo 'Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030' do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, định hướng sản xuất lúa gạo hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc chất lượng cao (CLC).

Đề án quan tâm đến việc liên kết lâu dài giữa khâu sản xuất của nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ lúa gạo nhằm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Định hướng kinh doanh phù hợp

Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi sang trồng các giống lúa CLC phục vụ xuất khẩu. Đón đầu mục tiêu ấy, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) không ngừng tăng cường đầu tư cho công tác xuất khẩu gạo, đưa gạo trở thành mặt hàng chiến lược trong hoạt động xuất khẩu của tổng công ty. Hapro cũng đưa một số sản phẩm gạo CLC vào hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Vừa qua, Hapro đã tổ chức chương trình sự kiện giới thiệu sản phẩm “Hạt Ngọc Đồng Tháp Mười” để giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng Thủ đô và cả nước 3 dòng gạo CLC. Những sản phẩm này được trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói tại Nhà máy xay xát và chế biến gạo xuất khẩu của Hapro tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Khách hàng mua gạo chất lượng cao của Đồng Tháp tại sảnh siêu thị HaproMart C13 Thành Công, Hà Nội.

Theo ông Trần Phú Cường, Phó giám đốc Chi nhánh Hapro tại Đồng Tháp (Hapro Đồng Tháp), đây là cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, công nghệ hiện đại, công suất đạt 45.000-50.000 tấn/năm. Nhà máy tổ chức thu mua, xay xát, chế biến, đóng gói gạo bảo đảm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hạt gạo ngon, sạch, an toàn với quy trình sản xuất và chế biến khép kín, đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong những năm qua, sản phẩm gạo từ nhà máy của Hapro tại Đồng Tháp đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như; Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, một số nước khu vực Trung Đông... Hapro Đồng Tháp cũng là một trong các đơn vị thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam tham gia các hợp đồng xuất khẩu gạo của Chính phủ.

Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó tổng giám đốc Hapro, cho biết: "Là đơn vị phát triển kinh doanh nội địa, triển khai hệ thống kinh doanh bán buôn, bán lẻ tập trung tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, Hapro nhận thấy những dòng sản phẩm gạo CLC do nhà máy tại Đồng Tháp sản xuất được tiêu thụ rất tốt tại thị trường nước ngoài. Do vậy, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nội địa nghiên cứu và đến nay đã triển khai đưa vào hệ thống kinh doanh nội địa 3 dòng sản phẩm gạo CLC phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, gồm: Gạo Japonica, gạo Hương lài sữa dẻo và gạo Hương 9 rồng. Mỗi loại gạo đều có những đặc tính riêng biệt, như: Gạo Japonica hạt tròn, đều đặn, đồng nhất, cơm dẻo. Khi nấu chín, hạt cơm căng tròn như hạt ngọc, có màu trắng óng ánh và vị ngọt dịu thơm ngon. Gạo Hương lài sữa dẻo có hạt trắng, nhỏ, màu trắng trong, cơm dẻo, mềm, vị ngọt và vẫn thơm khi để nguội. Đặc biệt tỏa mùi thơm thoang thoảng hương hoa lài khi nấu. Gạo Hương 9 rồng là gạo thơm, hàm lượng đạm cao gấp rưỡi gạo thường...".

Do những ưu thế về mặt thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, gạo Đồng Tháp được trồng với thời gian 3-6 tháng/vụ tùy theo giống lúa, mang hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội so với các loại gạo thông thường. Với quy trình sản xuất và chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, gạo bảo đảm tiêu chí ba không: Không chất bảo quản, không dư lượng thuốc trừ sâu, không chất tẩy trắng. Trong thời gian tới, Hapro Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà nghiên cứu và đối tác trên địa bàn Đồng Tháp Mười để đưa ra thị trường thêm một số loại sản phẩm gạo CLC mang thương hiệu Hapro, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Bà Trần Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đánh giá cao việc Hapro giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô và cả nước một số sản phẩm gạo đặc sản được cấy trồng, thu hoạch và sản xuất tại Đồng Tháp theo tiêu chuẩn ngon, sạch, an toàn. Hơn thế, việc đưa sản phẩm gạo của Đồng Tháp tới thị trường các nước trên thế giới cũng là một mô hình chuỗi liên kết rất hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đây là nền tảng giúp Hapro tận dụng tối đa lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục khai thác, đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản có chất lượng của vùng đến người tiêu dùng trong mọi miền đất nước và trên thế giới.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dua-gao-chat-luong-cao-vao-thi-truong-noi-dia-539952