Đưa hàng loạt B-52 đến Châu Âu, Mỹ muốn chứng tỏ với Nga điều gì?

Không quân Mỹ vừa triển khai 6 máy bay ném bom B-52 có thể trang bị vũ khí hạt nhân tới Châu Âu với mục đích 'huấn luyện bay và phối hợp hoạt động khu vực' với các đối tác trong NATO, và còn ngầm gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Nga.

Theo tuyên bố của Không quân Mỹ, các máy bay B-52 cùng nhiều quân nhân và các thiết bị hỗ trợ thuộc Đơn vị Oanh tạc cơ số 2 (2nd Bomb Wing), hoạt động tại Căn cứ Không quân Barksdale, bang Louisiana (Mỹ) đã có mặt tại căn cứ Fairford tại Anh vào cuối tuần trước và thực hiện các bài tập huấn luyện trên khắp Châu Âu.

Cụ thể, bốn phi cơ B-52 “thực hiện các chuyến bay tới nhiều vị trí ở Châu Âu, trong đó có Biển Na Uy, Biển Baltic gần Estonia và khu vực gần Hy Lạp”.

Thêm nhiều máy bay B-52 của Mỹ đã được đưa đến Châu Âu.

Trong khi đó, các máy bay B-52 từ Căn cứ Andersen ở đảo Guam và Căn cứ Fairford cũng đã cùng lúc “tiến hành những hoạt động huấn luyện làm quen không phận ở Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu” và đã “bay về hướng bắc tới địa điểm ở phía đông Bán đảo Kamchatka (Nga)”. “Cùng nhau, các hoạt động này cho thấy cam kết đảm bảo an ninh của Hoa Kỳ đối với các nước đồng minh”, Không quân Mỹ cho biết.

Với trọng lượng gần 84 tấn, B-52 lần đầu tiên được đưa vào hoạt động từ những năm 1950 khi Chiến tranh Lạnh đang ở mức cao điểm, và ban đầu được thiết kế là một máy bay ném bom tầm xa có thể tập kích sâu vào lãnh thổ Liên Xô nếu cần. Phiên bản mới nhất của B-52 được sử dụng lần đầu vào năm 1962 và là một trong những loại khí tài nổi tiếng nhất.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các máy bay B-52 đã được cải tổ nhiều lần và được trang bị tên lửa định hướng, các thiết bị điện tử và cảm biến hiện đại. Theo thống kê của Không quân, mỗi máy bay B-52 có thể mang theo 70 tấn bom, mìn và tên lửa các loại.

Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã nóng lên sau khi ba tàu chiến Ukraine cùng các thủy thủ đoàn bị Nga giam giữ sau khi các tàu này tiến vào eo biển Kerch vào tháng 11 năm ngoái. Hành động này đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ một cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 12/2018.

Tuy vậy, tướng chỉ huy bộ tư lệnh Mỹ tại Châu Âu Curtis Scaparrotti cho biết những hoạt động của Mỹ dường như đang không phát huy hiệu quả.

“Tôi không cảm thấy an tâm với những gì mà chúng ta đang có ở Châu Âu”, ông Scaparrotti cho biết. “Điều tôi lo ngại đó là khả năng thu thập thông tin tình báo và do thám trong bối cảnh hiểm họa từ Nga đang ngày càng lớn. Với việc Nga đang hiện đại hóa quân đội và ngày càng có những động thái mạnh bạo, chúng tôi mong muốn luân phiên điều động quân sự tới khu vực để củng cố an ninh”.

NATO cũng có phát biểu chỉ trích Nga vì đã “gia tăng sự hiện diện quân sự quy mô lớn ở Crimea” và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng Nga “tiếp tục là mối đe dọa đối với các đồng minh khu vực”. Quốc hội Mỹ cũng áp dụng thêm các hình thức trừng phạt mới đối với Nga vì nhiều lý do, trong đó có việc Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014.

Dù vậy, Crimea đã sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý, với khoảng 97% người dân ủng hộ tái hợp. Trong tuần này, Tổng thống Putin cũng đã có mặt tại Crimea nhân dịp kỷ niệm 5 năm bán đảo này hợp nhất với Nga và tuyên bố rằng một nước Nga hùng mạnh đã xuất hiện, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/dua-hang-loat-b52-den-chau-au-my-muon-chung-to-voi-nga-dieu-gi-post293977.info