Đưa hàng nông nghiệp vào hệ thống bán lẻ AEON: Bệ đỡ để nông sản Việt xuất ngoại

Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của DN Việt Nam.

Năm 2018, tổng trị giá xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 37,8 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện các DN Việt đang tìm cách tiếp cận với thị trường tiềm năng này thông qua việc đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ AEON (Nhật Bản).

Tuy nhiên, để hàng hóa vào được hệ thống này, nhất là hàng nông sản đòi hỏi DN cần nâng cao năng lực kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm.

Tiềm năng lớn

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9, Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản lượng hàng hóa trị giá 5,07 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản hiện đứng thứ 3 trong số những thị trường XK đạt tỷ USD chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm nông sản tới đối tác tiêu thụ và người tiêu dùng tại AEON Long Biên (Chương trình do HPA và AEON tổ chức). Ảnh: Lê Nam

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm nông sản tới đối tác tiêu thụ và người tiêu dùng tại AEON Long Biên (Chương trình do HPA và AEON tổ chức). Ảnh: Lê Nam

Tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP Hà Nội trong đó có hệ thống AEON" do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Shiotani Yuichiro cho hay: "Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng... Đây là ngành hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Đặc biệt AEON đang ưu tiên nhập khẩu sản phẩm dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe do DN Việt Nam sản xuất".

Theo lãnh đạo AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có khoảng từ 200 - 300 DN có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm XK để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản. “AEON đưa ra chính sách làm sao chuyển được vùng nguyên liệu từ nhà cung cấp Trung Quốc với giá tương đối cao sang vùng nguyên liệu rẻ hơn như Camphuchia, Myanma, Việt Nam và khi đó sẽ đặt hàng khối lượng lớn với các quốc gia này, đây là cơ hội cho DN Việt Nam XK hàng hóa vào thị trường Nhật Bản” - ông Shiotani Yuichiro nói.

Được biết, hiện DN Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 48 DN Nhật Bản tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với số vốn hơn 270 triệu USD. Việc DN Nhật Bản đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cũng sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam tiếp cận công nghệ mới, từ đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp chuẩn bị hành trang

Mặc dù Việt Nam đã XK nông sản vào thị trường Nhật Bản, nhưng theo các DN, đây là thị trường khó tính, không dễ thâm nhập bởi người Nhật yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa trong khi DN Việt Nam chủ yếu sản xuất thủ công. Thêm vào đó, DN Việt chưa có nhiều kinh nghiệm, thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, mức giá sản phẩm của thị trường Nhật Bản…

Là một trong những DN đã XK cà phê nhãn hiệu L’amant ra thị trường quốc tế trong đó có Nhật Bản, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Lương Thị Ngọc Nữ cho biết: Để có được thành công này, DN đã phải tuân thủ nghiêm các quy định, quy chuẩn quốc tế. Việc hợp tác với Tập đoàn AEON trong việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ giúp DN tăng thêm thị phần mà còn tăng giá trị sản phẩm trên thị trường thế giới.

Đồng tình với ý kiến này, lấy ví dụ sản phẩm tôm bóc vỏ Việt Nam đang được tiêu thụ tại AEON, Quản lý bộ phận sản phẩm của AEON Fukio Tomoaki cho hay: Để mở rộng thêm việc tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản, kết nối với nhà cung cấp để cùng mang thực phẩm sạch từ nông trại tới bàn ăn, đòi hỏi DN và cơ quan quản lý Việt Nam phải xây dựng được một quy trình sản xuất và kỹ thuật bảo quản, chế biến nông sản bằng phương pháp đông lạnh tốt thì mới có thể XK được số lượng lớn và quanh năm sang Nhật Bản".

Chia sẻ những kinh nghiệm hỗ trợ DN XK vào thị trường Nhật Bản, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Để đáp ứng các tiêu chuẩn Nhật Bản, DN nên tìm hiểu, nghiên cứu các dòng sản phẩm xuất sang thị trường Nhật, các nguồn nguyên liệu để phù hợp về kiểu dáng, thị hiếu của người tiêu dùng Nhật.

“Năm 2018, lần đầu HPA tổ chức Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại Nhật Bản với 6 mặt hàng bán thử nhưng doanh thu đạt gần 6 tỷ đồng/tuần. Sau khi nắm được thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản, tháng 6/2019 Tập đoàn AEON phối hợp với HPA tổ chức tuần hàng tại 40 điểm của AEON trong đó chú trọng mặt hàng hoa quả, cá tra... qua đó đưa doanh thu đạt 10 tỷ đồng/tuần. Đặc biệt người dân Nhật Bản đón nhận sản phẩm Việt rất tốt, sức mua lớn” - bà Mai Anh nêu ví dụ.

Có thể nói, để đưa được hàng hóa nhất là hàng nông sản vào thị trường Nhật, đòi hỏi DN Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng và giá thành sản phẩm. Đổi lại, việc trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, thị trường Nhật Bản nói chung chính là “bệ đỡ” khẳng định về chất lượng, thương hiệu để DN Việt tiến sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

"Nông sản Việt muốn vào Nhật phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện một số loại trái cây Việt Nam như cam, quýt, đu đủ... bị Nhật đưa vào danh sách cấm nhập khẩu vì có dòi phương Đông. Điều đó cho thấy DN muốn XK được nông sản sang thị trường Nhật Bản phải nâng cao chất lượng, công nghệ bảo quản, chế biến hàng nông sản cũng như giá thành sản phẩm." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Phạm Minh Đức

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dua-hang-nong-nghiep-vao-he-thong-ban-le-aeon-be-do-de-nong-san-viet-xuat-ngoai-354976.html