Đưa hàng Việt về khu công nghiệp, khu chế xuất: Đa dạng mô hình cung ứng

Việc đưa hàng Việt về các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) được coi là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu hàng hóa...

Hàng Việt chất lượng, giá tốt đến với người lao động tại các khu công nghiệp

Hàng Việt chất lượng, giá tốt đến với người lao động tại các khu công nghiệp

Chia sẻ tại “Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại KCX, KCN và các giải pháp tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước” tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều điểm bán hàng Việt cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã được hình thành tại khu vực có nhiều KCX, KCN nhằm cung cấp hàng hóa phục vụ cho công nhân, người lao động. Đến nay, Bộ Công Thương đã xây dựng được 104 điểm bán hàng tại 58 địa phương trên cả nước, trong đó, nhiều điểm đặt gần các KCX, KCN thuộc các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Đồng Nai, Bến Tre…

Theo báo cáo của siêu thị Lan Chi Mart, kể từ khi triển khai mô hình điểm bán hàng Việt tại siêu thị, đối tượng mua sắm, tiêu dùng là công nhân, lao động ngày càng tăng lên về số lượng. Họ được tiếp cận nhiều hơn với các loại sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với chất lượng tốt, giá rẻ cùng nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu kèm theo.

Bà Lê Việt Nga cho biết thêm, bên cạnh mô hình trên, một số mô hình cung ứng hàng hóa mới, mang tính sáng tạo, năng động như: Nhóm mô hình “siêu thị công đoàn” của Công ty TNHH Sài Gòn W-Mart được triển khai tại 2 KCN tại TP. Hồ Chí Minh và đang có kế hoạch mở rộng thêm tại 8 KCN khác trên địa bàn; nhóm mô hình cung ứng theo hình thức phát voucher và đưa đón công đoàn viên là công nhân tại các KCN đến mua sắm tại cơ sở cung ứng (mô hình của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Hapro); nhóm mô hình cung ứng gồm các siêu thị được phát triển theo Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN...

Bên cạnh đó, còn một số mô hình cung ứng khác đã được doanh nghiệp triển khai như: Mô hình “Hợp tác xã phúc lợi” của Công ty CP Liwayway Việt Nam (Bình Dương), cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày tới hơn 3.000 công nhân của công ty với chất lượng đảm bảo, giá thấp hơn thị trường 15-20%; Chương trình “Gạo sạch công nhân” của Công ty TNHH Long Rich. Theo đó công nhân sẽ được mua gạo do Long Rich ký kết với Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Kim Sáng với giá giảm 15% so với giá thị trường.

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, những mô hình trên đã tạo điều kiện cho công nhân và người lao động đang làm việc tại các KCN có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí trong việc tiếp cận hàng Việt chất lượng. n

Cả nước hiện có khoảng 20 triệu công nhân, lao động, trong đó, 10,5 triệu người là công đoàn viên. Đặc biệt, có hơn 5 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại KCX, KCN, sản xuất hơn 50% lượng hàng hóa xuất khẩu...

Thảo Ngọc - Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-hang-viet-ve-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-da-dang-mo-hinh-cung-ung-111255.html