Đưa Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh Hậu Giang đề mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người.

Du khách ghé vào thăm miệt vườn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Du khách ghé vào thăm miệt vườn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, sau 15 năm thành lập, Hậu Giang đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm nông nghiệp xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tỉnh ủy có riêng một nghị quyết về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Trên cơ sở này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai đề án cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng.

Theo đó, sẽ phát triển Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu đến năm , năm 2020 tỉnh phấn đấu thu hút 500.000 lượt khách tới tham quan, trong đó khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; năm 2025 tỉnh sẽ thu hút 1 triệu lượt du khách (trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.

Đến nay, về hạ tầng du lịch, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm. Đó là các dự án Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp mùa Xuân, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, Khu du lịch sinh thái Việt Úc-Hậu Giang, Dự án xây dựng, khai thác địa điểm Cây Lộc Vừng, du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng...

Song song đó, Hậu Giang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mang thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ dứa, gồm 6 sản phẩm được chế biến từ dứa.

Cùng với đó là các sản phẩm đã đăng ký sở hữu công nghiệp như bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp...

Đặc biệt, Dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước đang được tỉnh quan tâm thực hiện, cùng đó là triển khai mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn trên tuyến đường Vị Thanh-Cần Thơ.

Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, Hậu Giang đang tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày từng giờ làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nhận thức rằng, mặc dù du lịch nông nghiệp của tỉnh còn ở mức tiềm năng nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu cùng nhau hợp tác và quyết tâm đi những bước thật nhanh, đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới.

“Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và cần tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch đó” - ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Cùng với đó Hậu Giang tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực để liên kết, mở rộng thị trường và mời gọi các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn Hậu Giang.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến, mời gọi một số doanh nghiệp, chủ đầu tư có năng lực tài chính, có chuyên môn về du lịch để phát triển một số mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp gắn với các loại hình lưu trú khác nhau, sau đó nhân rộng ra các khu vực lân cận để tăng khả năng thành công; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm xây dựng một số mô hình làm nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch.

Tỉnh sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng ngăn hạn để các hộ dân, cán bộ, nhân viên tại điểm du lịch nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Tỉnh duy trì hoạt động trang thông tin điện tử quảng bá, xúc tiến du lịch và liên kết các trang tiện ích xã hội, Fanpage, Youtube, Facebook nhằm đẩy mạnh kết nối thông tin với du khách, doanh nghiệp du lịch thuận lợi hơn.

Ngoài ra, tỉnh sẽ quảng bá hình ảnh du lịch Hậu Giang bằng các kênh đa phương tiện như: truyền hình, báo, tạp chí, tem thư...; xây dựng phim tư liệu về văn hóa, con người và vùng đất Hậu Giang, các khu, điểm du lịch, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè trong, ngoài nước; qua đó thu hút khách du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Hậu Giang.

Tỉnh cũng tổ chức cuộc thi sáng tác các biểu tượng và khẩu hiệu du lịch Hậu Giang nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu cho du lịch của tỉnh. Cuộc thi kết hợp với kế hoạch truyền thông sẽ là hoạt động góp phần quảng bá du lịch Hậu Giang, đồng thời thu hút sự quan tâm tìm hiểu về du lịch địa phương từ các đối tượng dự thi và công chúng.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Lửa Việt, năm 2020, Hậu Giang cần khẩn trương xây dựng thí điểm các homestay chuẩn. Bên cạnh đó là việc chuẩn hóa các món ngon đặc sản Hậu Giang; đưa chợ quê lên các ngày hội du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh cần có chính sách cụ thể cho du khách về Hậu Giang, đồng thời thay đổi cách xúc tiến du lịch và chuẩn hóa bộ sản phẩm du lịch của địa phương.

Năm 2019, khách du lịch đến Hậu Giang ước đạt 486.800 lượt, tăng 16% so cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế đạt 24.340 lượt (tăng 45%), khách nội địa đạt 462.460 lượt (tăng 15%). Tổng doanh thu ước đạt hơn 170 tỷ đồng, tăng 16%./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dua-hau-giang-tro-thanh-diem-den-hap-dan-o-dong-bang-song-cuu-long/613649.vnp