Đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh giá trị của 2 khu di tích Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua và Khu di tích Cổ Loa – di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là những tài sản rất quý giá của Hà Nội.

Chiều 23/3, Thưởng trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và các sở, ngành liên quan về tiến độ triển khai dự án do Trung tâm thực hiện. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính Quốc gia, trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, y tế… là thành phố ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo của thế giới… Bởi vậy, các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thành phố các thời kỳ hết sức coi trọng việc xây dựng văn hóa, con người Hà Nội. Đặc biệt, tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh yêu cầu phát huy giá trị văn hóa, coi đây là nguồn lực nội sinh quan trọng hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh giá trị của 2 khu di tích Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua và Khu di tích Cổ Loa – di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là những tài sản rất quý giá của Hà Nội.

Bí thư Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

“Đối với trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, từ khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới, vinh danh thì Chính phủ và Hà Nội đều quan tâm thực hiện các cam kết với UNESCO. Đến nay, có 7/8 cam kết đã được thực hiện tốt và còn 1 nội dung là thống nhất quản lý khu di tích thì vẫn đang trong quá trình thực hiện. Vì vậy, tại cuộc làm việc này, tôi đề nghị tập trung thảo luận, làm sáng tỏ: Vì sao việc nhất thể hóa quản lý khu di sản đến nay vẫn chưa được thực hiện; việc triển khai các dự án đầu tư tại 2 khu di tích vẫn không đạt tiến độ, thậm chí kéo dài; các giải pháp để phát huy giá trị kép của hai khu di tích trên cơ sở gắn giữa bảo tồn với phát triển du lịch, đặc biệt là thực hiện tầm nhìn đưa Hoàng Thành Thăng Long trở thành một công viên di sản giữa đẹp nhất Hà Nội dành cho du khách trong và ngoài nước.”, Bí thư Vương Đình Huệ nói.

Đủ cơ sở để phục dựng điện Kính Thiên

Báo cáo Thường trực Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, năm 2020, Trung tâm đã thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa; tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu theo quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.

Trung tâm đã và đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 dự án. Trong số này có Dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (hoàn thành năm 2017); Dự án bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (dự án tổng thể), Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa...

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, vấn đề thống nhất quản lý là quan tâm số 1 của UNESCO cũng như của chúng ta. Về các dự án ưu tiên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, dự án phục dựng điện Kính Thiên có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, việc phục dựng điện Kính Thiên là rất quan trọng; nhưng thành phố nên chia ra một dự án nghiên cứu trước; sau đó, sau khi kết quả nghiên cứu được phê duyệt mới thực hiện dự án phục dựng.

Thềm điện Kính Thiên với đôi Rồng đá từ thời Lê.

Ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên là dự án nhiều ý nghĩa về mọi mặt. Tuy nhiên, công trình này nằm trong vùng lõi di sản, động chạm đến một số công trình, tài sản quốc gia. UNESCO có một số quy định với công trình xây dựng, trùng tu trong vùng lõi. Chúng ta phải có trao đổi với UNESCO đưa ra giải pháp tốt nhất để không giảm thiểu giá trị di tích.

Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, “điện Kính Thiên là hồn cốt của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Nhưng khách tham quan đến Hoàng thành chỉ thấy có mấy tòa nhà Pháp thôi mà chưa có được hình dung cụ thể về không gian điện Kính Thiên. Tôi cho rằng, chúng ta bằng mọi giá phải đẩy nhanh dự án hoàn trả không gian điện Kính Thiên. Chúng ta không thể trở lại điện Càn Nguyên hay điện Thiên An, nhưng điện Kính Thiên có đủ cơ sở phục dựng”.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên. Nhưng trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. Tôi đề nghị thành phố nên vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành”.

Hà Phương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/dua-hoang-thanh-thang-long-tro-thanh-cong-vien-di-san-82613