Đưa 'Khá Bảnh' vào đề thi học sinh giỏi Văn: Phép thử mạo hiểm

Ngô Bá Khá hay còn gọi là 'Khá Bảnh', đối tượng đã bị bắt giữ về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc vừa xuất hiện trong một đề thi học sinh giỏi lớp 11 ở một trường THPT tại Hải Phòng. Ngay lập tức, đề thi này đã tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.

Đề thi học sinh giỏi văn đưa nhân vật giang hồ mạng - Khá Bảnh

Đề thi học sinh giỏi văn đưa nhân vật giang hồ mạng - Khá Bảnh

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 11 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) vừa đưa Khá "bảnh" - một nhân vật vừa bị công an bắt giữ về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc vào đề thi.

Cụ thể câu 1 (3 điểm): Hiện tượng mạng Khá "bảnh" với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái.

"Xuất hiện trên mạng xã hội cách đây khá lâu, Ngô Bá Khá (hay còn gọi là Khá "bảnh", SN 1993, quê Bắc Ninh) nổi tiếng với điệu nhảy "múa quạt", còn được dân mạng gọi với cái tên "VinaHey".

Sau đó, Khá "bảnh" được biết đến nhiều hơn với những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, livestream nói tục, chửi thề, những phát ngôn gây sốc, thậm chí là làm phim ngắn về "tình nghĩa giang hồ".

Mới đây nhất, tên giang hồ này cùng nhóm bạn thân dàn hàng ngang chụp hình trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý.

Dù được biết đến với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng, nhưng điều khó hiểu là Khá "bảnh" lại có một lượng "fan" hâm mô rất hùng hậu. Trang Facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có hơn 2 triệu lượt đăng ký, con số khiến nhiều nghệ sĩ chân chính phải "chào thua". Mỗi clip của Khá "bảnh" đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với nhiều lượt tương tác, bình luận.

Không chỉ nổi tiếng trên mạng xã hội, gần đây nhất, trong một vài hình ảnh đang lan truyền mạnh mẽ, Khá "bảnh" được học sinh, người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký và đón tiếp như một ngôi sao khi xuất hiện gần một trường THPT ở thành phố Yên Bái”.

Đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng được đề cập trong bài viết.

Ngay khi xuất hiện, đề thi học sinh giỏi của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, dù vấn đề thời sự nhưng nhân vật Khá "bảnh" không đáng để được đưa vào đề thi.

“Tấm gương người tốt, việc tốt sao không đưa mà lại đưa nhân vật này vào đề thi”- một người dùng mạng đặt câu hỏi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dù sao thì việc “Đưa một nhân vật đời thực vào đề thi cho các em phân tích sẽ khiến các em có hứng thú làm bài hơn là 1 nhân vật không có thật”.

Nhận định về đề thi này, Nguyễn Thị Hà, học sinh lớp 11 ở Hà Nội cho rằng, cho nghị luận về hình tượng Khá Bảnh là chưa hợp lý vì thực sự có nhiều vấn đề khác và hiện tượng khác nên đưa vào sẽ tốt hơn.

Nhiều học sinh THPT ở Hà Nội khi hỏi đều cho rằng, đây là vấn đề nổi cộm thời gian gần đây nhưng việc đề Văn cho hình tượng này vẫn thấy bất ngờ vì đây hiện tượng còn nhiều tranh cãi, không phải là hình tượng tốt để lan truyền.

Còn giáo viên ra đề này cho rằng, đây là đề thi học sinh giỏi diễn ra một tuần nhưng thực sự đã được chuẩn bị nhiều ngày trước đó. Việc đưa nhân vật này vào đề thi khiến cho học sinh nhìn nhận vấn đề đúng đắn hơn.

Không nên

Nhận định về đề thi này, TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết cho rằng, mấy năm gần đây xu hướng đưa những hiện tượng xã hội thực tế đương đại vào đề thi Ngữ văn trường THPT đây là một xu hướng rất tích cực. Bởi vì có giá trị rút ngắn khoảng cách giữa văn chương với cuộc đời, khoảng cách nhà trường và xã hội, và làm tăng thêm hứng thú cũng như hấp dẫn của văn chương với học trò.

Với đề cụ thể như nêu quan điểm về hiện tượng Khá Bảnh, TS Thu Tuyết cho rằng, với tôi, sẽ không bao giờ chọn vì nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất, TS Thu Tuyết cho rằng, nhà trường là một môi trường mô phạm, đề thi nói chung cũng như đề văn nói riêng đòi hỏi tính quy phạm và đặc biệt là tính chuẩn mực. Khi tôi nói đến tính cập nhật của văn chương cũng như hứng thú của học trò với đề thi thì chỉ là một phương thức, là con đường hướng đến cái đích là hướng học trò giá trị chân- thiện- mỹ.

"Đưa một hiện tượng rất nhiều ý kiến trái chiều vào một đề thi văn như thế theo tôi là một phép thử mạo hiểm hơn là thể hiện đổi mới cũng như trách nhiệm của người ra đề"- TS Thu Tuyết nêu quan điểm.

TS Trịnh Thu Tuyết lập luận: bây giờ tôi đặt giả thiết một bài văn, một học trò viết văn phạm rất chuẩn mực, lập luận chặt chẽ, lí lẽ rất đanh thép, tức là đạt tất cả tiêu chí để thuyết phục vấn đề nào đó, một quan điểm nghị luận nào đó và cổ súy cho xã hội trên thì sẽ được bao nhiêu điểm?

Ở nguyên nhân thứ hai, một hiện tượng xã hội trong đề thi của Hải Phòng hay hiện tượng xã hội của các cô gái cách đây mấy năm vào đề thi học sinh giỏi một số tỉnh như đưa ra quan điểm: "Không có tiền thì cạp đất mà ăn à"?, TS Thu Tuyết cho rằng, với việc đưa những hiện tượng như thế vào đề thi nó không chỉ là một phép thử mạo hiểm với nhân cách của học trò, bản lĩnh của học trò mà vô hình chung chúng ta cấp thêm một tầm vóc cho những hiện tượng, những giá trị chưa đủ tầm của nó.

Còn giáo viên ra đề thi này cho rằng, xã hội luôn có mặt tốt và mặt xấu. Việc đưa Khá Bảnh vào đề thi không phải cổ súy mà giúp cho học sinh có nhận thức đúng đắn hơn.

Quan điểm về vấn đề này, TS Thu Tuyết cho rằng, ví dụ, đề thi đề cập bàn luận về tâm lý đám đông hoặc sự hâm mộ thần tượng, học sinh hoàn toàn có thể đưa ra các dẫn chứng đưa vào trong bài thi để nghị luận, thì giáo viên hoàn toàn có thể chấp nhận. Nhưng việc đưa những hiện tượng trái chiều vào đề thi thì không nên”.

Bộ GD&ĐT lên tiếng

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho hay, ngay sau khi nắm thông tin, Bộ GD&ĐT đã làm việc và chỉ đạo Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng kiểm tra xem tình hình cụ thể ra sao.

Theo ông Hoàn, hiện nay, cách ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm theo hướng mở gắn liền xu thế đổi mới dạy và học, nhằm sáng tạo và đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Những đề văn nghị luận phải lấy ngữ liệu có tính thời sự, đảm bảo nội dung có tính định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Ngữ liệu đó phải phù hợp kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học. Việc phản biện và thẩm định đề thi đòi hỏi sự cẩn trọng cao, tránh theo thị hiếu nhất thời và những vấn đề nhạy cảm chưa được kiểm chứng.

Ngày 3/4 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) khởi tố bị can đối với Ngô Bá Khá (26 tuổi, tức Khá "Bảnh").

Ngô Bá Khá là nhân vật “nổi tiếng” trên mạng xã hội, biệt danh là Khá "bảnh” với kênh Youtube có hàng trăm nghìn người đăng ký theo dõi. Trên mạng xã hội, Khá "bảnh” nổi tiếng với những video phát ngôn và hành động tiêu cực như đập phá và đốt xe máy, dừng xe, chụp ảnh giữa đường cao tốc… đáng bị lên án. Trước đó, năm 2011, Khá "bảnh” bị đưa vào trường giáo dưỡng. Sau đó, liên tiếp trong hai năm 2014, 2016, Khá bị Công an thị xã Từ Sơn bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Khá khai bắt đầu làm video có nội dung tục tĩu, giang hồ để đăng trên YouTube từ năm 2017, hiện có gần 2 triệu người theo dõi. Thời gian đầu, Khá được trả 7.000-8.000 USD/tháng do video có lượng người xem cao, có tháng đến gần 20.000 USD.

Ngày 1/4, Khá cùng một số người bị Công an tỉnh Bắc Ninh tạm giữ. Khám nhà Khá, công an thu nhiều hung khí cùng "một số giấy tờ liên quan hoạt động vay mượn tín dụng đen và lô đề". Khá khai có sử dụng ma túy.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/dua-kha-banh-vao-de-thi-hoc-sinh-gioi-van-phep-thu-mao-hiem-1400138.tpo