Đưa lễ hội đến gần hơn với tâm hồn người Hà Nội Bài 1: Những nét văn hóa độc đáo đất Thăng Long

Trong hành trang tiến tới tương lai, chắc chắn người Hà Nội không thể thiếu 'tài sản' vô giá, đó là giá trị văn hóa cổ truyền được bồi đắp qua hàng ngàn năm của mình. Lễ hội chính là một phần di sản phi vật thể ấy.

Thời gian qua, với nhịp sống hiện đại gấp gáp và có biểu hiện lệch chuẩn của một bộ phận người Hà Nội, lễ hội có còn là điểm hẹn tinh thần hay phải chịu hệ lụy từ một số biến tướng khiến dư luận phiền lòng? Làm thế nào để lễ hội thực sự gần hơn với tâm hồn người Hà Nội, là một góc nhớ ăn sâu trong kí ức chứ không chỉ là thoáng chút ồn ào mỗi năm một lần? Từ số này, báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ khởi đăng loạt bài xung quanh vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm này.

Mùa xuân là khởi đầu một năm mới, mở ra một vòng quay mới của đất trời, vạn vật sinh sôi nảy nở. Vì thế, đây cũng là mùa của lễ hội, mùa để người dân Thăng Long xưa nói riêng và người Việt nói chung được vui chơi, giải trí trong lúc nông nhàn, chuẩn bị một năm lao động miệt mài tất bật. Ngày nay đời sống vật chất ổn định, nhu cầu về tinh thần phải luôn mới lạ, phong phú, hấp dẫn, vì thế các lễ hội lại càng được mọi người quan tâm, hưởng ứng.

Những điểm hẹn mỗi độ xuân về

Hà Nội là địa phương đứng đầu về số lượng lễ hội trong cả nước. Theo thống kê, Thủ đô có khoảng 1.700 lễ hội và chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm. Như vậy, trải khắp các quận, huyện nội, ngoại thành, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, trẩy hội ngày xuân cũng chính là được thêm một lần đến với những địa danh, di tích, tìm hiểu về lịch sử vùng đất, tên người đã ghi dấu nơi đó.

Nhiều lễ hội độc đáo, nổi tiếng không chỉ với người dân Hà Nội mà còn lan ra cả nước, là “điểm hẹn” mỗi dịp xuân về mọi người lại tụ tập, hội ngộ.

Đầu năm, lễ hội gò Đống Đa “mở màn” cho mùa lễ hội của Hà Nội. Năm nay, lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mang cấp thành phố, diễn ra ngày 9/2/2019 (mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa. Lễ trao Bằng di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa cũng được thực hiện tại buổi lễ.

Tiếp theo, một loạt các lễ hội đã trở thành thông lệ được tổ chức đúng ngày đều đặn theo truyền thống từ nhiều đời nay. Lễ hội chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước và kéo dài nhiều tháng, thu hút người dân từ khắp mọi miền tổ quốc, Việt kiều từ nước ngoài về tham dự.

Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Nội, khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng trên địa bàn huyện Đông Anh. Đây được xem là lễ hội truyền thống nhằm suy tôn vua An Dương Vương Thục Phán, người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Tham dự lễ hội, du khách không chỉ được xem nghi thức đại tế và lễ rước mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ… tìm hiểu lịch sử thành Cổ Loa và truyền thuyết An Dương Vương - Mỵ Châu - Trọng Thủy...

Lễ hội Gióng (diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một trong những lễ hội độc đáo, đặc sắc của Hà Nội bởi những nghi lễ cổ xưa nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Đây là hai lễ hội Gióng có sức hút nhất của Hà Nội. Ngoài ra, còn hơn 10 hội Gióng khác được tổ chức trên địa bàn Hà Nội cũng thu hút được đông đảo khách thập phương về tham dự.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) cũng diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng, bắt đầu bằng lễ rước kiệu từ đền, hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng. Bên cạnh nghi lễ rước kiệu, lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ Nhà nước và địa phương như dâng hương, tế lễ. Ngoài ra, lễ hội còn có những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà Trưng.

Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra từ ngày 13 - 15 tháng Giêng, được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài, đặc biệt là tại cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ thuộc địa phận xã Minh Quang và xã Ba Vì. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức với quy mô lớn. Từ trước ngày chính lễ 14 và 15 tháng Giêng, đã có nhiều hoạt động diễn ra mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao.

Lễ hội Võng La tổ chức từ ngày 13 - 15 tháng Giêng tại đình Đại Độ, làng Đại Độ (xã Võng La, huyện Đông Anh) nhằm suy tôn Ngũ vị Tôn Thần: Quốc Công Đại Vương và Lã Nương phu nhân Đại Vương cùng ba người con là Linh Khổn (Đệ Nhất Linh Tố Đại Vương), Minh Chiêu (Đệ Nhị Linh Tố Đại Vương) và Cung Mục (Đệ Tam Linh Tố Đại Vương).

Lễ hội làng Lệ Mật diễn ra ngày 23 tháng Ba tại làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, Long Biên) nhằm tưởng nhớ Hoàng Đức Trung – Thành Hoàng Lệ Mật. Người đã có công lập ra 13 trang trại Tây thành Thăng Long, cho tới nay vẫn được duy trì (thuộc quận Ba Đình ngày nay).

Người dân đi hội chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội)

Bên cạnh đó còn nhiều các lễ hội như: Lễ hội chùa Tây Phương, hội chùa Thầy, hội đền Kim Mã, hội làng Triều Khúc, hội đền Và, hội đình Định Công… Hầu hết các làng, xã, phường của Hà Nội đều tổ chức lễ hội theo truyền thống của mình, tạo nên nếp sinh hoạt tinh thần cho người dân địa phương.

Văn hóa xưa lưu dấu

Cũng như tất cả các làng xã truyền thống của người Việt, đất Thăng Long xưa cũng được tạo thành từ những ngôi làng. Vì thế, mỗi một vùng, một địa điểm đều lưu giữ được những nét văn hóa cổ truyền của mình.

Ngày nay, trước tốc độ đô thị hóa và nhịp sống hiện đại, dấu xưa không bị mai một mà bằng cách này hay cách khác vẫn hiện hữu trong đời sống của người Hà Nội. Khuất sau những con phố rầm rập người xe, những ngôi làng Võng Thị, Nam Đồng, làng Cót, làng lụa, Yên Phụ… vẫn thấp thoáng bóng dáng của mái tường rêu, bờ tre, rặng chuối, cổng làng với nếp sống bình dị và hồn hậu.

Lễ hội là một phần biểu hiện của những nét văn hóa xưa còn lại với thời gian như thế. Rồi mai này những mái tường rêu, những cổng làng cổ kính, cả những cây cổ thụ, bờ tre, giếng làng… có thể đã trở thành cổ tích với lớp trẻ thì thế hệ con cháu vẫn có thể “gặp lại” cha ông mình qua các lễ hội làng, hội tổng.

Lễ hội cũng là một cách trao truyền văn hóa hết sức kì diệu, thiết thực mà người xưa đã cố gắng gìn giữ cả ngàn năm. “Đến hẹn lại lên”, mỗi năm một lần, cứ lặp lại tuần hoàn như vậy, người già nhắc thế hệ trung niên, trung niên nhắc trẻ con, cứ liên tiếp như vậy, lễ hội chẳng những không tạo nên sự nhàm chán mà còn là nỗi háo hức chờ mong, là niềm yêu thương quê hương làng xóm, nơi chôn rau cắt rốn đằm sâu trong mỗi người dịp mùa hội.

(Còn nữa)

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/dua-le-hoi-den-gan-hon-voi-tam-hon-nguoi-ha-noi-d2062703.html