Đưa liệt sĩ về với người thân

Ở các nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trên cả nước, không hiếm những dãy bia mộ đến bây giờ, vẫn chỉ có mỗi tên kèm đơn vị của liệt sĩ; còn quê quán, ngày tháng năm sinh là những dấu 3 chấm. Đồng nghĩa với việc, sau nửa thế kỷ đất nước hòa bình, vẫn còn nhiều gia đình liệt sĩ ngày đêm mỏi mòn tìm kiếm người thân trong vô vọng. Tuy nhiên, những thành viên tâm huyết trong ê kíp chương trình 'Trở về từ ký ức' đã áp dụng phương pháp thực chứng đi tìm gia đình cho liệt sĩ, mở ra cánh cửa hi vọng…

Thành cổ Quảng Trị dịp lễ tưởng niệm 27.7. Ảnh: HƯNG THƠ

Đưa liệt sĩ về quê…

Năm 2011, anh Phan Tân Lâm (Đài PT-TH Quảng Trị) tham gia chương trình “Trở về từ ký ức” theo lời mời của nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên (VTV, chủ nhiệm chương trình Trở về từ ký ức) với công việc quay phim, tích trữ tư liệu ban đầu cho việc sản xuất chương trình. Đi đến nhiều vùng miền của tổ quốc, gặp nhiều hoàn cảnh, anh và những thành viên trong ê kíp day dứt về nhiều gia đình liệt sĩ, đặc biệt là những bà mẹ già nua ngày đêm mỏi mòn tìm kiếm người thân trong vô vọng…

Để đem lại hy vọng cho những gia đình liệt sĩ và góp sức vào công cuộc tri ân, bằng phương pháp thực chứng, anh Lâm và những thành viên trong chương trình “Trở về từ ký ức” đứng ra tìm gia đình cho liệt sĩ. Theo anh Lâm, phương pháp thực chứng xác định danh tính liệt sĩ bị khuyết một phần thông tin, là quy trình căn cứ vào thông tin gốc về liệt sĩ, bao gồm hồ sơ quy tập hài cốt liệt sĩ, thông tin trên bia mộ liệt sĩ, thông tin từ giấy báo tử và trích lục của liệt sĩ và thông tin từ đồng đội liệt sĩ đang còn sống.

Trường hợp ê kíp chương trình “Trở về từ ký ức” tìm thấy quê của liệt sĩ Trần Cao Đài là một ví dụ. Tại NTLS Quốc gia đường 9, phần mộ liệt sĩ Trần Cao Đài, chỉ có địa chỉ đơn vị là Sư 968 chứ không có thông tin về quê hương. Anh Lâm và các thành viên trong chương trình lấy giấy báo tử của liệt sĩ, trích lục thì có được thông tin chỉ có 1 liệt sĩ Trần Cao Đài hi sinh ở mặt trận phía Tây Lào. Vào Sư 968, tìm đến sổ vàng danh dự thì nắm được thông tin có liệt sĩ Trần Cao Đài, quê ở Hưng Yên, có tên bố mẹ và hi sinh ở tỉnh Khâm Muộn (Lào). Khi nắm hết những thông tin này, anh Lâm liên lạc với gia đình liệt sĩ, sau đó người nhà của liệt sĩ vào nhận phần mộ.

Cũng bắt đầu từ thông tin về đơn vị trên phần mộ của liệt sĩ Hồ Vĩnh Ngọ (đơn vị Phan Rang B), anh Lâm và các đồng nghiệp đã tìm được quê quán cho liệt sĩ. Sau khi tìm hiểu, biết được Phan Rang B là một trong những phiên hiệu của Trung đoàn 27 đóng quân tại Quảng Trị, anh Lâm lục lại danh sách thì liệt sĩ Ngọ quê ở Quỳnh Hoan, Quỳnh Lưu, Nghệ An, nay là xã An Hòa, Quỳnh Lưu. Kết nối với gia đình và đồng đội, thì được biết liệt sĩ hi sinh năm 1969, tại cao điểm 69 ở phía Tây huyện Gio Linh, Quảng Trị. “Tiếp tục tìm đến ban quản trang, xác minh được nơi phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ Ngọ ở cao điểm 69, trong lúc cả nước chỉ có 1 liệt sĩ tên Hồ Vĩnh Ngọ nên chúng tôi xác định thông tin như trên là đúng” - anh Lâm, kể. Khi xác định các thông tin rồi, anh Lâm liên hệ với con trai của liệt sĩ là Hồ Vĩnh Lâm vào Quảng Trị nhận bố…

Theo anh Lâm, những trường hợp tìm kiếm được phần thông tin bị khuyết của các liệt sĩ cho kết quả khoa học, chính xác. “Chúng tôi mở ra một phương pháp đi tìm liệt sĩ dựa trên các dữ liệu và sắp xếp lại khoa học. Phương pháp này không chỉ tìm thấy gia đình cho 1 liệt sĩ có họ tên, có một phần thông tin trên bia mộ, mà còn mở ra cơ hội tìm thấy gia đình cho một cụm liệt sĩ hi sinh cùng thời điểm, cùng vị trí được tìm thấy bằng cách kiểm tra sơ đồ mộ hoặc ADN…” – anh Lâm, cho hay. Phương pháp này đã được các thành viên trong chương trình “Trở về từ ký ức” làm thành phim, chuyển cho Bộ LĐTBXH.

Nhà báo Phan Tân Lâm trong một lần đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TL

Mong một ngày tìm được người thân

Thời điểm này, dù không tham gia sản xuất cho chương trình “Trở về từ ký ức” nữa, nhưng mỗi lúc tìm được thông tin về các liệt sĩ, hoặc gia đình các liệt sĩ nhờ, anh Lâm lập tức lên đường, không ngại đường sá xa xôi hay khó khăn hiểm trở. “Gia đình mình có 2 liệt sĩ là bác ruột và chú ruột, trong đó bác ruột hi sinh vào 25.7.1967 tại Cồn Tiên (Gio Linh) thuộc Sư 324 đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Vì vậy, sức mình làm được gì, ai nhờ gì liên quan đến các liệt sĩ là mình lên đường. Mình làm vậy cũng mong có ngày tìm thấy được người thân, và trả ơn cho những người đã ngã xuống” - anh Lâm chia sẻ.

Trên muôn nẻo đường đi tìm gia đình cho liệt sĩ, hay đi tìm hài cốt liệt sĩ, câu chuyện mà anh Lâm nhớ nhất, là chuyến đi lên cao điểm 325N Tây Hải Lăng (Quảng Trị). Một ngày giữa tháng 6 cách đây mấy năm, cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ cùng em trai liệt sĩ Nguyễn Mạnh Chất (thuộc Trung đoàn 36, Sư 308, hi sinh năm 1972) là Nguyễn Văn Hạnh cùng anh Lâm lên cao điểm 325 Tây Hải Lăng để tìm hài cốt liệt sĩ Chất. Lên đến địa điểm được cho là nơi liệt sĩ hi sinh, những nhành hoa gia đình liệt sĩ Chất chuẩn bị cùng mâm cỗ bị héo úa vì những cung đường hiểm trở. Liệt sĩ quê ở Hà Nội, nên mâm cỗ được dọn ra với đầy đủ sản vật ở ngoài Bắc, trên mâm lễ có một chiếc khăn không mới, không cũ, có các đường thêu. Hỏi ra mới biết, đó là chiếc khăn do chính tay liệt sĩ Chất thêu tặng người yêu là Nguyễn Thúy Mậu, nhân kỷ niệm ngày 2 người nhận lời yêu nhau. Ngày ông Hạnh đi tìm anh, bà Mậu xin đi cùng nhưng bị can ngăn vì đường quá hiểm trở. Nghe vậy, bà Mậu trao chiếc khăn thêu liệt sĩ Chất tặng, nhắn nhủ người em bỏ ở mâm lễ. “Nếu có linh thiêng thì anh Chất nhìn thấy khăn, biết đường tìm về quê” - bà Mậu nói với ông Hạnh.

Hôm đó, gió thổi nhiều, chiếc khăn ở mâm lễ cứ bay lất phất. Mọi người sợ trời mưa, tổ chức tìm kiếm ngay và tìm được 3 hài cốt liệt sĩ rồi đưa về NTLS huyện Hải Lăng an táng với số mộ là 514, 515, 516 và một ngôi số 517 được quy tập ở cạnh đó. Nhưng khi đưa về, lấy mẫu xét nghiệm ADN thì không có ngôi nào có kết quả trùng khớp. Nhận được thông tin này, ông Hạnh sốc nặng, nằm liệt mấy ngày ở nhà. Mẹ của liệt sĩ đã già yếu, bà chuẩn bị 2 phần đất để khi bà nằm xuống, 1 cho bà và 1 cho con trai là liệt sĩ Chất. Nghe thông tin đã tìm được hài cốt của con, bà mẹ già cứ trong ngóng, đợi chờ từng ngày, nên ông Hạnh không nỡ báo tin cho mẹ biết.

Anh Lâm thấy lấn cấn trong lòng, anh gặp ông Hạnh, kể cho ông nghe về người bác ruột của mình hi sinh vẫn chưa tìm thấy hài cốt, về công việc mà bấy lâu nay anh ấp ủ. Rồi anh khuyên ông Hạnh, lấy một nắm đất ở địa điểm ông Chất hi sinh, lấy 1 ít nước ở con suối cạnh đó về đưa về phần đất mà mẹ già đã dành sẵn, làm thành ngôi mộ gió. Nghe lời anh Lâm, ông Hạnh làm theo, đắp ngôi mộ gió ở phần đất mẹ ông dành sẵn, dù dưới đó không có nắm xương của người anh, nhưng mỗi lần thắp nén nhang lên đó, ông Hạnh và những người thân của liệt sĩ Chất bớt đi cảm giác có lỗi. Và cũng từ chuyến đi đó, ông Hạnh và anh Lâm xem nhau như anh em, họ xích lại gần nhau, vì ai cũng mang trong mình nỗi đau mất đi người thân vì bom đạn chiến tranh. Riêng anh Lâm, để mong một ngày tìm thấy người bác ruột của mình, anh vẫn miệt mài lên đường khi có ai nhờ cậy.

HƯNG THƠ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/dua-liet-si-ve-voi-nguoi-than-603315.ldo