Đưa logistics trở thành động lực phát triển kinh tế - Kỳ 2: Cần tháo gỡ các điểm nghẽn

Dịch vụ logistics được coi là mũi nhọn kinh tế đủ sức tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho BR-VT nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc xây dựng môi trường pháp lý, cơ chế đặc thù, một mô hình quản lý khai thác cũng như cơ sở hạ tầng tương xứng là những điều kiện căn bản để dịch vụ logistics phát triển đúng định hướng.

Thi công QL 56 tuyến tránh Bà Rịa - tuyến đường kết nối các KCN với hệ thống cảng biển.

Đưa logistics phát triển xứng tầm

Với vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, trong tương lai, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) cùng với hoạt động dịch vụ logistics sẽ mang lại nguồn thu lớn cho BR-VT và góp phần vào sự thịnh vượng của đất nước. Đi kèm sự lớn mạnh của cảng biển, theo định hướng, BR-VT sẽ xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực, đạt trình độ quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm trong khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu này, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh ưu tiên phát triển Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ, ngay phía sau khu cảng Cái Mép và một khu dịch vụ logistics tại Sao Mai - Bến Đình có diện tích khoảng 93ha.

Theo đó, dự án Trung tâm logistics và Cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ gồm 2 phần: Trung tâm logistics Cái Mép Hạ có diện tích 1.000ha và cảng tổng hợp container Cái Mép Hạ có diện tích 86,6ha. Mới đây, Tập đoàn Geleximco đã đề xuất đầu tư Dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và Bến cảng Cái Mép Hạ lưu thuộc phường Phước Hòa (TX.Phú Mỹ). Với tổng vốn đầu tư 30.616 tỷ đồng. Để triển khai dự án này, Tập đoàn Geleximco sẽ liên danh đầu tư cùng Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực khai thác cảng biển, vận tải biển và logistics tại TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Geleximco cho biết, còn có nhiều đối tác nước ngoài là các công ty, tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics sẵn sàng chung tay đầu tư, hợp tác thực hiện dự án. Đại diện Geleximco cho biết, dự án nhằm cung cấp dịch vụ cảng biển, lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, kho đông lạnh, kho khác với quy mô, có khả năng thông quan khoảng 3 triệu TEUs hàng container mỗi năm. Bến cảng sẽ phát huy hiệu quả của Trung tâm logistics, ngược lại, Trung tâm logistics sẽ hỗ trợ hoạt động khai thác cảng, từ đó giảm giá thành thông quan, giảm chi phí xuất nhập khẩu…

Xe đầu kéo tại Cảng Hưng Thái vận chuyển container tại cảng Dịch vụ Tổng hợp Hưng Thái.

Bên cạnh đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng chế độ ưu đãi đầu tư đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh nhằm thu hút các dự án. Đồng thời, đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ logistics cung đã được triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ngành mũi nhọn trong tương lai của tỉnh.

Có các giải pháp đồng bộ

Theo dự thảo đề án phát triển dịch vụ logistics, đến năm 2020, BR-VT sẽ hoàn thiện hệ thống cảng biển Thị Vải - Vũng Tàu (cụm cảng Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình). Vì vậy, hiện tỉnh đang ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực. Cụ thể, các tuyến đường như QL51, đường 965, đường liên cảng CM-TV, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B,… nối khu cảng CM-TV với các trung tâm của vùng TP. Hồ Chí Minh theo kế hoạch sẽ được đầu tư và mở rộng.

Bốc xếp hàng xuất nhập khẩu tại cảng TCIT. Ảnh: TRÀ NGÂN

Ông Trần Khánh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho biết: Muốn logistics phát triển thì điều tiên quyết là hạ tầng giao thông kết nối sau cảng phải hoàn thiện. Vì thế, tới đây, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm, tạo mọi điều kiện về chủ trương chính sách trong hoạt động dịch vụ logistics, dành các nguồn lực để tỉnh BR-VT đầu tư phát triển hệ thống giao thông để hoạt động dịch vụ logistics phát triển hiệu quả. Về hệ thống đường bộ, ngoài các tuyến đường đã và đang được đầu tư đưa vào sử dụng như QL51, 55, 56, đường 965, các đường vào các KCN thì cần đẩy nhanh việc đầu tư hoàn thành các đường Liên cảng CM-TV, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường Long Sơn - Cái Mép. Đồng thời, sớm đầu tư đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ngoài ra, để phát triển dịch vụ logistics, hệ thống đường sắt, đường hàng không cũng phải được đầu tư hoàn chỉnh.

ÔNG LÊ TUẤN QUỐC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

Tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư dịch vụ hậu cần cảng

Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đặt ra mục tiêu giai đoạn 2017-2020 sẽ hoàn thành quy hoạch 1/2.000, đưa vào ít nhất 1 kho tổng hợp hàng container hoặc cảng cạn ICD ngay sau hệ thống cảng CM-TV nhằm định hình chuỗi cung ứng và tạo sự ổn định nguồn hàng phục vụ hệ thống cảng biển. Tổng doanh thu dịch vụ, kho bãi, dịch vụ hậu cần cảng đến năm 2025 đạt khoảng 35.000 tỷ đồng…Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến hạ tầng giao thông nhằm hoàn thiện hành lang công nghiệp, hậu cần cảng; điều chỉnh quy hoạch cảng biển và khu hậu cần sau cảng với thiết kế, chức năng, công năng hợp lý; phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống cầu cảng, kho bãi hậu cần cảng và giao thông kết nối. Đồng thời kiến nghị Trung ương bổ sung BR-VT vào các quy hoạch cảng cạn và quy hoạch trung tâm dịch vụ hậu cần cảng trọng tâm quốc gia để có những giải pháp đầu tư phù hợp. Đôn đốc các sở, ngành nhanh chóng hoàn thành quy hoạch 1/2.000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư dịch vụ hậu cần cảng.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Cảng CMIT phân tích, muốn logistics phát triển thì các cảng phải tiếp tục thực hiện vai trò dẫn dắt, đó là tiếp tục thu hút thêm các tuyến tàu mẹ của hàng xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ và sang các thị trường châu Á sử dụng tàu kích cỡ lớn để về CM-TV. Hơn nữa, các hãng vận tải trong và ngoài nước đều là DN hoạt động theo kinh tế thị trường, nghĩa là đâu có lợi hơn là họ làm. Chỉ cần có đủ nguồn hàng, “hữu xạ tự nhiên hương” tàu lớn sẽ về mà không cần phải kêu gọi. Tiếp đến, các nhà cung cấp dịch vụ logistics cần sớm lập các hệ thống kho bãi hiện đại tại CM-TV; tỉnh cần kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu, gia công hàng điện tử, ôtô… Mời các DN lớn đến đặt nhà máy tại các KCN xây dựng một chân hàng, một dạng “hậu phương” cho cảng biển.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công, tỉnh BR-VT cần nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành (tập trung các cơ quan kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm)… để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế. Đây là dự án phức hợp, khép kín, khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ trở thành “bệ phóng” cho BR-VT trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

---------

Kỳ 1: Hình thành các trung tâm logistics

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/201909/dua-logistics-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-kinh-te-ky-2-can-thao-go-cac-diem-nghen-874225/