Đưa Luật Biên phòng Việt Nam đi vào đời sống nhân dân khu vực biên giới

Để góp phần đưa Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) sớm đi vào cuộc sống, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP Sóc Trăng đã và đang tích cực triển khai quán triệt các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tập huấn Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết. Ảnh: Văn Long

Thượng tá Hà Huy Trường, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sóc Trăng cho biết: Nhằm sớm đưa Luật BPVN vào cuộc sống, ngay sau Hội nghị tập huấn Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết, do Bộ Quốc phòng tổ chức, Bộ Chỉ huy BĐBP Sóc Trăng đã sớm triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục Luật BPVN tới cán bộ, công chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện Đề án triển khai Luật BPVN giai đoạn 2021-2025, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch để triển khai Đề án thực hiện Luật BPVN, bao gồm việc tổ chức Hội nghị cấp tỉnh để tập huấn chuyên sâu về Luật BPVN và các văn bản thi hành luật cho các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh cũng như cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP tỉnh; phối hợp với các huyện, thị xã khu vực biên giới theo chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật BPVN; đồng thời, chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu cho các xã, phường, thị trấn biên giới biển tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Qua triển khai, đến nay cơ bản đã tổ chức tập huấn xong cho các đối tượng từ tỉnh cho tới cơ sở.

Còn tại các đồn Biên phòng, bám sát kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, các đơn vị đã tích cực nghiên cứu, biên soạn một cách có hệ thống các nội dung cốt lõi của luật để tổ chức tuyên truyền tập trung tại đơn vị và trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới. Các đồn Biên phòng đã chủ động triển khai các tổ, đội công tác trực tiếp xuống nhà dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới biển, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền một cách cụ thể đến mỗi người dân.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trong BĐBP Sóc Trăng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, phường, thị trấn khu vực biên giới tổ chức được 34 buổi tuyên truyền tập trung cho 2.875 lượt cán bộ, nhân dân; tuyên truyền nhỏ lẻ được 2.811 lượt hộ gia đình; tuyên truyền bằng mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được 65 cuộc, mỗi cuộc 2 giờ; phát trên 5.000 tờ rơi… về các nội dung cơ bản của Luật BPVN để cán bộ, nhân dân ở khu vực biên giới biển nắm chắc và thực hiện tốt.

Nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, những năm qua, ý thức bảo vệ, giữ gìn biên giới quốc gia đã thấm sâu vào lòng dân biên giới khu vực biên giới biển. Một số vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới đã được người dân phát hiện, thông báo kịp thời cho BĐBP và chính quyền địa phương. Để làm được điều đó phải đẩy mạnh tuyên truyền để Luật BPVN “bám rễ”, “ăn sâu” vào đời sống xã hội, huy động được mọi nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Thượng tá Hà Huy Trường khẳng định

Ông Nguyễn Việt Khởi, Phó Chủ tịch UBND phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi xác định nhiệm vụ tuyên truyền Luật BPVN là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, đã triển khai đến các ngành, các cấp, tổ chức tập huấn, phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Châu tuyên truyền để bà con hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa của Luật BPVN. Qua thời gian triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ, công chức, người dân về chủ quyền biển đảo, trách nhiệm của bản thân trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia đã được nâng lên”.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến tập trung, BĐBP còn phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo để tham gia phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Đây là giải pháp rất hiệu quả trong công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được BĐBP Sóc Trăng phát huy.

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc, ông Lâm Hai ở phường 1, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Được cán bộ đồn Biên phòng tuyên truyền, giải thích, chúng tôi hiểu rằng, Luật BPVN là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm giữ gìn biên cương bờ cõi của đất nước. Tự xác định trách nhiệm của mình đối với biên cương Tổ quốc, nên mọi người dân đều tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân”.

Có thể thấy rằng, công tác tuyên truyền Luật BPVN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành triển khai Hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ công chức, lực lượng vũ trang. Qua đó, góp phần giúp cán bộ, nhân dân nắm chắc các nội dung cơ bản của luật và các văn bản quy định chi tiết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Văn Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-luat-bien-phong-viet-nam-di-vao-doi-song-nhan-dan-khu-vuc-bien-gioi-post458456.html