Đưa mọi người xích lại gần nhau, Internet hoàn thiện hơn nhờ đại dịch Covid-19?

Từ lâu, Internet đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người, từ nông thôn đến thành phố, từ người già đến người trẻ. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, Internet đóng vai trò quan trọng hơn khi đưa con người đến với nhau cho dù tất cả đều đang trong trạng thái cách ly xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã góp phần hoàn thiện Internet? (Nguồn: iStockphoto)

Đại dịch Covid-19 thực sự là một thảm họa và đang gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Hàng trăm nghìn sinh mạng đã bị cướp mất, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa và rất nhiều người gặp khó khăn về mặt tài chính.

Tuy nhiên, nếu có một điều tích cực từ cuộc khủng hoảng này, đó chính là chủng mới của virus corona buộc chúng ta phải sử dụng Internet đúng theo mục đích vốn dĩ của nó, đó là kết nối con người với nhau, chia sẻ thông tin và tài nguyên và đưa ra các giải pháp tập thể với những vấn đề cấp bách. Đây là phiên bản lành mạnh, nhân văn của văn hóa kỹ thuật số mà chúng ta thường chỉ thấy trong các quảng cáo trên TV và giờ đây đã trở thành hiện thực.

Những hành động đẹp

Vào một buổi tối thứ Bảy cuối tháng Ba, Derrick Jones, một DJ với biệt danh D-Nice đã phát trực tiếp những bản nhạc của mình lên Instagram từ nhà riêng ở Los Angeles, Mỹ. D-Nice chơi nhạc liên tục từ đầu giờ chiều đến tận khi màn đêm buông xuống.

Bất chấp hỗn loạn ở bên ngoài, với những bản nhạc sôi động của D-Nice, thứ duy nhất lây lan tới người nghe là tâm trạng tưng bừng, vui vẻ. Dần dần, bữa tiệc âm nhạc trở thành một thứ gì đó có ý nghĩa hơn là một sự xao lãng khỏi thực tế.

DJ Derrick Jones nhận ra rằng mạng xã hội không còn là nơi để người nổi tiếng tự quảng cáo bản thân. (Nguồn: Vulture)

Bỗng dưng, khi đang biểu diễn, D-Nice dừng lại và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn bộ các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện đã làm việc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.

Khi nhìn vào số lượng người theo dõi trực tiếp lên đến 150.000, anh đã rất kinh ngạc, dừng chơi nhạc và nói rằng: “Chúng ta nên quyên góp tiền hay làm một thứ gì đó cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Cũng giống nhiều người khác, D-Nice dường như nhận ra rằng, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, mạng xã hội như Youtube hay Instagram không còn là nơi để người nổi tiếng tự quảng cáo bản thân nữa, mà trở thành nơi đem lại rất nhiều điều có ích cho mỗi người.

Các nghệ sĩ, người nổi tiếng đã sử dụng Internet để đưa con người gần lại nhau hơn. Trong ngày lễ Phục sinh (12/4), danh ca Andrea Bocelli đã cất lên tiếng ca đầy nội lực và dạt dào cảm xúc tại thánh đường Duomo Milan (Italy). Cho dù không có khán giả, nhưng giọng ca mê hoặc của Andrea Bocelli đã giúp đem lại màn trình diễn “độc đáo và đầy cảm hứng” về tình yêu, sự chữa lành và hy vọng cho thế giới đang bị tổn thương vì dịch Covid-19.

Đáng chú ý hơn, Internet còn trở thành phương tiện để con người nhận ra được, giúp đỡ nhau là điều nên làm. Trên Twitter, các nhà văn như Shea Serrano và Roxane Gay đã quyên góp một số tiền để giúp những người gặp khó không có tiền mua nhu yếu phẩm. Các lập trình viên đã hợp tác với nhau thông qua kết nối trực tuyến để tạo ra một công cụ để lên lịch chăm sóc trẻ em. Trang Go-Fund-Me thì xuất hiện hàng loạt các quỹ để hỗ trợ tiền cho những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Tất cả mọi người từ rapper Future cho đến nhà thiết kế Collina Strada đã bắt đầu sản xuất khẩu trang và mũ phẫu thuật cho các nhân viên y tế thông qua các mẫu may được đăng trên mạng. Công ty Copper3D đã phát hành mẫu thiết kế khẩu trang bằng phương pháp in 3D trên Internet cho những ai có máy in để dễ dàng cung cấp cho cộng đồng. Dường như những công việc trên đều phục vụ mục đích duy nhất là tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng, chung tay dập tắt dịch Covid-19.

Một xã hội không tưởng

Những câu chuyện ở trên không giúp cho thế giới ngó lơ về sự nguy hiểm của Covid-19, nhưng cũng giúp chúng ta có một niềm tin mãnh liệt hơn vào lòng tốt của loài người, nhất là khi truyền thông thế giới đang lên án mạnh mẽ Internet vì sự nổi lên của những thông tin giả, thuyết âm mưu, gây nhiễu loạn thông tin.

Từng có một khoảng thời gian, những người lạc quan nhất cho rằng không gian mạng có thể thiết lập lại xã hội theo hướng tích cực hơn. Theo đó, các máy tính kết nối mạng sẽ giúp tạo ra một không gian tưởng tượng, che giấu đi sự khác biệt của con người và tạo ra một xã hội ảo hoàn hảo tới mức không tưởng.

Năm 1996, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, John Perry Barlow - một người đấu tranh cho quyền tự do của Internet, đã công bố Tuyên ngôn về sự độc lập của không gian mạng và nói: “Chúng ta đang tạo ra thế giới mà mọi người đều bình đẳng, không có đặc quyền cũng như chẳng có định kiến để phân biệt chủng tộc, quyền lực kinh tế, quyền lực quân sự hay giai cấp”.

Barlow tiếp tục cho rằng nền văn minh mà ông và những người khác đã tạo ra có thể giúp thế giới trở nên nhân văn và công bằng hơn.

Đến bây giờ, chúng ta đã nhận ra rằng, những tuyên bố đó vẫn chỉ được xem là một giấc mơ. Thay vào đó là một xã hội đầy phức tạp bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghệ. Internet kể từ khi ra đời đã là nơi để mọi người tối đa hóa lợi ích cho bản thân, nhất là kiếm tiền.

Khi mà không một xã hội thực tế nào là hoàn hảo thì làm sao chúng ta có thể mơ đến một xã hội ảo có thể đạt được những ước vọng như vậy.

Trong cuốn sách The Know-It-Alls, tác giả Noam Cohen ghi lại lịch sử phát triển của Đại học Stanford, nơi đã góp phần tạo ra những nhân tài công nghệ cho Thung lũng Silicon, biến các tin tặc và doanh nhân thành những người chỉ tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc kiểm soát thông tin cá nhân, các mối quan hệ, các bài viết và những hình ảnh mà con người đăng lên trên mạng xã hội hàng ngày.

Kết nối là quan trọng

Xây dựng một thế giới ảo để thay thế cuộc sống thực không phải là một ý tưởng mới. Nó từng xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng mà trong đó, thực tế ảo chỉ đơn giản là một lối thoát khỏi thế giới thực đầy lỗi.

Tuy nhiên, sau sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 thì con người mới cảm nhận được rõ nhất về những phát biểu tưởng chừng như ngây thơ nhưng lại vô cùng nghiêm túc của John Perry Barlow. Internet có thể trở nên tốt hơn nếu như con người sử dụng đúng mục đích của nó.

Internet giúp chung ta tiếp cận những thông tin mới nhất và chính xác nhất về dịch Covid-19.

Internet giúp các bác sĩ, nhân viên y tế đọc được những nghiên cứu khoa học mới nhất để biết thêm thông tin cần thiết về chủng virus corona mới lạ này, nhằm có phương pháp bảo vệ an toàn cho mọi người.

Internet giúp chúng ta cập nhật thông tin chính xác nhất về tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh cũng như kết nối với người thân, gia đình, bạn bè trong khoảng thời gian mà ai cũng cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần

Có thể, sự bùng nổ của những hành vi xã hội tốt đẹp trên Internet hiện nay là tạm thời và khi đại dịch trôi qua, những kẻ trục lợi, chuyên đưa tin tức giả sẽ lại làm hỏng nó. Nhưng cũng có thể, sau nhiều năm công nghệ làm chúng ta xa rời nhau, cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 đang cho thấy Internet vẫn có khả năng kéo con người trở lại gần nhau hơn bằng nhiều cách khác nhau.

Đó là lý do tại sao, tất cả mọi người, dù có thu nhập cao hay thu nhập thấp vẫn cần phải có quyền truy cập công cụ hữu dụng này để không bị bỏ lại phía sau. Chúng ta luôn hy vọng rằng công nghệ được sinh ra để tạo ra sự kết nối chứ không phải gây xung đột và đại dịch Covid-19 chính là cơ hội để con người biến hy vọng này thành hiện thực.

Quang Hải

(theo New York Times)

Quang Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dua-moi-nguoi-xich-lai-gan-nhau-internet-hoan-thien-hon-nho-dai-dich-covid-19-114623.html