Đưa Mỹ-Iran vào trò chơi 'lưỡng bại câu thương', ông Putin đứng ngoài 'hưởng trái ngọt'?

Nga sẽ muốn Mỹ và Iran 'bận rộn' trong cuộc khủng hoảng của cả hai thay vì hướng đến sự hòa giải. Điều này sẽ giúp Nga có thêm nhiều 'khoảng trống' cho kế hoạch toàn cầu của mình.

Nga-Iran có thể là đối tác nhưng không phải là đồng minh quân sự.

Nga-Iran có thể là đối tác nhưng không phải là đồng minh quân sự.

Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã úp mở về khả năng giảm nhẹ áp lực đối với Iran và cho biết Mỹ hoan nghênh thiện chí hòa giải của Thủ tướng Shinzo Abe giữa Tehran và Washington.

Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Rybakov đã đến thăm Tehran vào ngày 29/5. Ông nói với Sputnik News rằng, mục đích chuyến thăm là để thảo luận về các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạt nhân (Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA).

Tuyên bố làm dịu áp lực của Mỹ với Iran và chuyến thăm của quan chức Nga dù đến cùng thời điểm nhưng nhiều người tin rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Giống như các quốc gia châu Âu, Moscow luôn quan ngại về những rủi ro tiềm tàng đối với thỏa thuận hạt nhân. Trong kịch bản tồi tệ nhất, Tehran có thể mất kiên nhẫn và lựa chọn phương án tiếp tục làm giàu vũ khí hạt nhân. Nga sẽ thấy triển vọng này rất đáng lo ngại.

Tuy nhiên, Moscow dường như không cần một sự hòa giải thực sự giữa Tehran và Washington, điều này đến từ việc Nga sẽ thu được lợi ích chiến lược từ sự cô lập Iran.

Do đó, chuyến thăm của ông Rybakov có thể hướng đến những mục đích khác “bất ngờ” hơn, như thúc giục Iran tiếp tục cứng rắn Mỹ và từ chối mọi thỏa hiệp, chuyên gia Shireen T. Hunter từ Đại học Georgetown nhận định.

Quân bài mặc cả

Cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran là một thắng lợi chiến lược đối với Moscow và là một sự tổn hại rõ ràng cho Mỹ.

Mặc dù tuyên bố đi theo chính sách độc lập với cả hai siêu cường, nhưng sự thù địch của chính quyền Iran đối với Mỹ kể từ thời điểm đó cho đến nay đã mạnh mẽ và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Từ góc độ địa chính trị, mục tiêu của Nga trong việc duy trì căng thẳng Mỹ-Iran có ý nghĩa hoàn hảo.

Từ trước đến nay, sự đối đầu của Iran với Mỹ đã trở thành quân bài mặc cả của Nga trong quan hệ với phương Tây. Điều này đã được thể hiện tương tự ở Syria, Israel và thậm chí là đối phó với các quốc gia Ả Rập thuộc Vịnh Ba Tư.

Đặc biệt hơn, một Iran “bận rộn” khi bị cuốn vào khủng hoảng với Mỹ sẽ giúp Nga loại bỏ đi một đối thủ cạnh tranh quyền lực đang ngày càng trỗi dậy ở Trung Đông.

Nga từ trước đến nay vẫn được coi là một đối tác thân thiết với Iran, nhưng trên thực tế hai nước cũng vừa là đối thủ ngầm cạnh tranh lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Moscow và Tehran có thể cùng nhau làm việc trong nhiều vấn đề nhưng để là đồng minh giúp đỡ chống lại các quốc gia khác thì không.

Điều này đã được chứng minh trong một báo cáo gần đây, khi có nguồn tin cho rằng ông Putin đã từ chối bán hệ thống phòng không Iran S400 trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ.

Về cơ bản, cả hai vẫn còn đầy rẫy hoài nghi và sự cạnh tranh lẫn nhau. Với những kế hoạch tham vọng của mình, Iran có khả năng là đối thủ cạnh tranh với Nga trong một khu vực trải dài từ vùng Kavkaz đến Syria.

Điều này sẽ càng đáng lo hơn nếu Iran giảng hòa với Mỹ và rảnh tay thực hiện mục tiêu của mình.

Iran phụ thuộc vào Nga

Một nước Mỹ "bận rộn" với những vấn đề toàn cầu sẽ giúp Nga "dễ thở" hơn.

Mặc dù không phải là mối quan hệ đồng minh khăng khít, Iran đang bị phụ thuộc vào Nga quá nhiều. Cần phải thừa nhận rằng, trong các vấn đề hợp tác từ kinh tế cho đến quân sự, Moscow luôn mang đến những lợi ích nhất định cho Tehran, tiêu biểu như sự hợp tác của hai nước trong cuộc chiến bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad ở Syria.

Trong khi đó, chính sách của Mỹ đối với Iran luôn muốn làm suy yếu nước này bằng lệnh trừng phạt. Chính sách thù địch quá mức của Mỹ đã khiến Iran có ít lựa chọn đối tác. Nga là một trong số ít các quốc gia không công khai thù địch với Iran và do đó là lựa chọn khả dĩ nhất.

Nga hưởng lợi thế nào từ căng thẳng Mỹ-Iran?

Như chuyên gia Nikolas Gvosdev từ Học viện Chiến tranh Hải quân (Mỹ) nhận định trên tờ The Hill, sự sụp đổ trong xuất khẩu dầu của Iran trong căng thẳng với Mỹ sẽ là “mũi tên trúng hai đích”. Nó cho phép Moscow tiếp tục hợp tác với Saudi Arabia để quản lý thị trường dầu mỏ toàn cầu, đồng thời gia tăng các đơn hàng mới.

Sự hỗn loạn ở Vịnh Ba Tư cũng làm tăng sức hấp dẫn đối với tuyến đường biển phía Bắc của Nga như một hành lang năng lượng và thương mại thay thế.

Tháng trước, tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Trung Quốc, Tổng thống Putin đã cho thấy tầm quan trọng của các tuyến đường biển Bắc Cực đối với sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu, mô tả nó như một tuyến đường cạnh tranh giúp Nga trở nên hấp dẫn hơn nếu Trung Đông rơi vào chiến tranh.

Việc Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông cũng phù hợp với các kế hoạch chiến lược của Nga.

Một nước Mỹ bị cuốn trở lại vùng Vịnh, đồng thời bế tắc trong cuộc khủng hoảng Venezuela và căng thẳng trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, sẽ khiến cho Washington ít có khuynh hướng can thiệp vào các kế hoạch của Nga trong không gian Á-Âu rộng lớn hơn.

Moscow hoàn toàn vui mừng khi thấy Mỹ bị kéo vào một cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài với Iran. Do đó, khi một cuộc khủng hoảng xuất hiện giữa Washington và Tehran, Moscow sẵn sàng gặt hái những lợi ích và hạn chế thiệt hại ít nhất có thể, chuyên gia Gvosdev kết luận.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dua-my-iran-vao-tro-choi-luong-bai-cau-thuong-ong-putin-dung-ngoai-huong-trai-ngot-a436832.html