Đưa ngay cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy là kiến tạo

Đã có nhiều lời bàn về khái niệm 'chính phủ kiến tạo', nhiều quan chức Chính phủ, cán bộ lãnh đạo các địa phương cũng nói về 'kiến tạo', nhưng cụ thể phải làm gì thì chưa ai nói rõ.

Còn nhiều cán bộ yếu kém “giao việc không chịu làm”.

Thì đây, trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 18.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã định nghĩa về Chính phủ kiến tạo, đó là: Chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển. Thứ hai, nhà nước không làm thay thị trường. Thứ ba là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, phải vươn lên ở nhóm các nước phát triển. Thứ tư là phúc lợi xã hội phải tốt và thứ năm, Chính phủ kiến tạo là nói đi đôi với làm, thay ngay những cán bộ "giao mãi không chịu làm".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng: "Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì được?".

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, một số bộ, ngành thuộc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, những hành động thể hiện kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể như Bộ Công thương đã bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh, và Chính phủ yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra Nhà nước trước khi thông quan.

Muốn có phúc lợi xã hội tốt, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt là y tế và giáo dục thì phải có tiền, muốn có tiền thì trước hết là phải tiết kiệm chi tiêu công. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm xe công từ cấp thứ trưởng trở xuống, cấp bộ trưởng và tương đương chỉ sử dụng ôtô dưới 1,1 tỉ đồng…, đó là những hành động của Chính phủ kiến tạo.

Nhưng điều mà nhân dân chờ đợi nhất, đó là “giảm biên chế” cán bộ yếu kém “giao việc không chịu làm”.

Trên thực tế, người dân thấy có những cán bộ “mũ cao áo dài” nhưng không thiết kế được sản phẩm chính sách xuất sắc nào. Những người như thế không phải là cán bộ của Chính phủ hành động. Họ ngồi yên quan sát và không làm để cho an toàn. Đó là những cán bộ bất tài, chỉ tính toán cho lợi ích riêng, họ không làm thì không phạm sai lầm và lấy sai lầm của người khác làm cơ hội cho mình.

Xin thưa rằng, đừng tưởng cán bộ không làm thì không phá, mà đúng ra, sự không làm của họ còn phá hơn những người tích cực dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Cán bộ lãnh đạo không làm được gì, chỉ ngồi yên cho yên thân, ngồi hết ghế này đến ghế khác thì có gì đáng khen.

Thậm chí, họ chính là lực cản rất ghê gớm đối với sự tiến bộ và phát triển của đất nước.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dua-ngay-can-bo-yeu-kem-ra-khoi-bo-may-la-kien-tao-576902.ldo