Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong kỷ luật tổ chức Đảng để đảm bảo việc kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, chính xác

Đảng điều chỉnh hành vi của các tổ chức đảng và Đảng viên bằng Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức hoạt động, bằng kỷ luật của Đảng. Kỷ luật nghiêm minh mới bảo đảm cho đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng được chấp hành triệt để, không bị chệch hướng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng mới được tăng cường.

Tại Kỳ họp thứ năm, UBKT TƯ đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với một số tổ chức đảng cấp dưới cấp trực thuộc Thành ủy TP Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.

Tại Kỳ họp thứ năm, UBKT TƯ đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với một số tổ chức đảng cấp dưới cấp trực thuộc Thành ủy TP Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 28/7/2021, Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đã ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng (Quy định 22) thay thế Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của BCH TƯ khóa XII thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng.

Quy định 22 đã được bổ sung, sửa đổi một số nội dung quan trọng để cụ thể hóa Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quy chế làm việc của BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của TƯ về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Từ đó, làm tiền đề để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy định, quy chế, quy trình về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, bảo đảm khách quan, dân chủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi.

So với Quy định số 30, Quy định số 22 có thay đổi cơ bản về kết cấu và nội dung. Theo đó, việc xây dựng Quy định 22 xuất phát từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng của các nhiệm kỳ trước, nhất là kinh nghiệm trong nhiệm kỳ XII; từ kiến nghị, đề xuất của cấp ủy các cấp và bám sát nội dung chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Trung ương trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, mặc dù Đại hội XIII của Đảng không quyết định sửa đổi Điều lệ Đảng nhưng quy định vẫn bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới, quan trọng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ XII, đồng thời đảm bảo việc kỷ luật đảng nghiêm minh, kịp thời, chính xác.

Một trong những nội dung mới quan trọng trong Quy định 22 là việc bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền cho ủy ban Kiểm tra (UBKT) được kỷ luật tổ chức đảng tại khoản 2, Điều 12: “... quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới”. Đây là nội dung mới rất quan trọng để UBKT các cấp có thể chủ động hơn, kịp thời hơn, quyết liệt hơn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, UBKT TƯ và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng, trong đó UBKT TƯ kiểm tra 35 tổ chức đảng, gồm có 6 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc TƯ; 5 ban cán sự đảng các bộ; 7 ban cán sự đảng UBND tỉnh; 06 ban thường vụ đảng ủy tập đoàn, tổng công ty; 6 tổ chức đảng trong Đảng bộ Công an, Quân đội... như vụ việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (vụ Formosa Hà Tĩnh); quản lý, sử dụng đất đai; quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ngân hàng BIDV...).

UBKT TƯ đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư về việc kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả kiểm tra đến các tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở có nhiều dư luận về dấu hiệu vi phạm, nhưng địa phương không làm, khó làm (như kiểm tra Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, TP Hà Nội; Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh; Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai...). Qua kiểm tra, đã đề nghị BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 10 tổ chức; đề nghị cấp ủy thi hành kỷ luật 17 tổ chức đảng vi phạm.

Do chưa có quy định thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng nên trong quá trình kiểm tra khi phát hiện, kết luận tổ chức đảng có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, UBKT TƯ phải chuyển vụ việc để cấp ủy quản lý thực hiện quy trình xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đảng thực hiện quy trình xử lý kỷ luật tổ chức đảng theo kết luận của UBKT còn có nhiều bất cập, như việc xử lý kỷ luật không kịp thời, để kéo dài; đối tượng vi phạm không bám sát kết luận của UBKT để kiểm điểm; kết quả bỏ phiếu kỷ luật không tập trung, bị phân tán do nể nang, bè phái, tính chiến đấu của đảng viên, tổ chức đảng tham gia quy trình xử lý kỷ luật không cao dẫn đến hình thức kỷ luật không tương xứng với lỗi vi phạm, gây bức xúc trong quần chúng, đảng viên. Những hạn chế, bất cập này cũng đã xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ của UBKT các cấp.

Việc Quy định 22 bổ sung thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới cho UBKT các cấp sẽ giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên. Khi thực hiện quy trình kiểm tra đối với tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới, nếu kết luận có vi phạm của tổ chức đảng đến mức phải xem xét kỷ luật thì đoàn kiểm tra sẽ báo cáo UBKT quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền mà không phải chuyển hồ sơ cho tổ chức đảng quản lý xem xét xử lý kỷ luật. Quy định này sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng, đảm bảo thực hiện đúng phương châm của kỷ luật đảng là công minh, chính xác, kịp thời.

Ngay trong Kỳ họp thứ năm của UBKT TƯ (từ ngày 2 đến 4/8/2021), căn cứ Quy định số 22, UBKT TƯ đã quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong đó quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với một số tổ chức đảng cấp dưới cấp trực thuộc Thành ủy TP Hà Nội và Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.

Việc BCH TƯ giao thêm thẩm quyền kỷ luật tổ chức đảng cấp dưới cho UBKT các cấp cũng là yêu cầu, đòi hỏi UBKT cần phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ đường lối, tư tưởng, quan điểm, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng “xứng đáng là thanh bảo kiếm của Đảng” như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật nhiệm kỳ XII của Đảng.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), Nghị quyết TƯ 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong thời gian tới rất cần được các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tiếp tục coi trọng, quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo UBKT các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng được sự đòi hỏi của Đảng, nhân dân và đất nước.

Trần Đức Thắng

Ủy viên Trung ương Đảng,

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dua-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-vao-cuoc-song-bo-sung-trach-nhiem-tham-quyen-cua-uy-ban-kiem-tra-trong-ky-luat-to-chuc-dang-de-dam-bao-viec-ky-luat-nghiem-minh-kip-thoi-chinh-xac-post407316.html