Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Sẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Những kết quả và hạn chế trong giáo dục và đào tạo của nhiệm kỳ Đại hội XII đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với nhiều điểm mới.

Phấn đấu nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Ảnh minh họa

Phấn đấu nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Ảnh minh họa

Phải đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao

Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, giáo dục và đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện cần sớm được khắc phục.

Trong các văn kiện Đại hội XIII, điểm mới lần này là Đại hội trực tiếp đề cập đến giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, trước đây chỉ nhấn mạnh “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo”.

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt phát triển đất nước”.

Trước đây chỉ đề cập phương hướng chung: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, do vậy phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trong đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người.

Văn kiện Đại hội XIII cũng đề cập nhiệm vụ cụ thể hóa yêu cầu hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, sắp xếp lại hệ thống trường học, phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học, tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều có cơ hội thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục. Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục….

Phấn đấu nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực

Đáng chú ý, trong các điểm mới về giáo dục và đào tạo tại văn kiện Đại hội Đảng lần này, Đảng ta chú trọng nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, “lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội và các giá trị cơ bản của định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhấn mạnh hơn yêu cầu thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các khâu, các yếu tố của quá trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đảng ta đặt ra mục tiêu Việt Nam tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, vì vậy, yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. “Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh”. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Quang Minh (t/h)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/dua-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-vao-cuoc-song-se-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-va-dao-tao-586237.html