Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chủ động để có việc làm tốt

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn Hà Nội được coi là giải pháp giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong bối cảnh thị trường ngoài nước rộng mở cơ hội việc làm, các cơ quan chức năng cũng như người dân thành phố đã chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng; lựa chọn thị trường; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để người lao động có việc làm tốt.

Người lao động học ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Thắng Minh

Xác định rõ hướng đi

Tốt nghiệp trung học cơ sở, Trần Hải Dương (sinh năm 2003), thôn Lạc Nông, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) xác định rõ bản thân muốn đi làm việc tại thị trường Nhật Bản theo hợp đồng. Vì thế, Dương lựa chọn học nghề hàn theo hình thức 9+ (học văn hóa song song với học nghề) tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội. Khi đang học lớp 11, Dương đã xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh, giành giải Nhất kỳ thi tay nghề thành phố Hà Nội năm 2019 với nghề hàn. Dương đang học lớp 12 và bước vào vòng đua tay nghề tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 - năm 2020, đang diễn ra tại Hà Nội và tỉnh Lạng Sơn.

Trần Hải Dương cho biết: “Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, em sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Em sẽ cố gắng tích lũy kiến thức, kỹ năng nghề trong quá trình làm việc ở nước ngoài, để khi trở về nước, em có thể tìm được công việc tốt”.

Ngoài dẫn chứng nêu trên, sự chủ động của người dân trong việc tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở nước ngoài ngày càng thể hiện rõ nét. Ông Vương Đắc Thân, thôn 1, xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) kể, con trai ông là Vương Đắc Khải (sinh năm 1995) đi làm việc tại thị trường Nhật Bản ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ năm 2016 cho đến nay. Dự kiến, sau khi về nước, gia đình sẽ định hướng cho Khải làm kinh doanh hoặc vào làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.

Kịp thời hỗ trợ người lao động

Giúp người dân chủ động định hướng, chủ động lựa chọn cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, các cấp, ngành, địa phương liên tục thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đến đông đảo người dân. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo lộ trình, giai đoạn, hướng đến những thị trường truyền thống, an toàn, nhiều tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Âu.

Chẳng hạn, tại huyện Quốc Oai, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 100-150 người lao động đi làm việc tại những thị trường uy tín. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể chức năng; các xã, thị trấn quan tâm, hỗ trợ cho người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài về nhiều mặt.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai Nguyễn Xuân Trường cho biết, những năm gần đây, huyện tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, nhóm lao động này được thông báo về nhu cầu tuyển dụng lao động trong nước, được hướng dẫn, giới thiệu đăng ký tìm việc làm phù hợp sau khi về nước đúng hạn.

Tại huyện Thạch Thất, vào tháng 7-2020, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của những người từng đi làm việc ở nước ngoài hoặc sắp đi làm việc ở nước ngoài cùng người thân của họ ở xã Hương Ngải - nơi có gần 700 lao động đang làm việc ở nước ngoài để xây dựng dự án “Thúc đẩy tiếp cận thông tin cho lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Dự án này do Tổ chức Rosa Luxemburg Stiftung (Đức) tài trợ, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 8-6-2020. Dự án nhằm hỗ trợ cho người lao động di cư tiếp cận thông tin chính xác về các thị trường lao động như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia… trên các website và phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động.

Có thể nhận thấy, sự quan tâm của các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã giúp người lao động lựa chọn được việc làm, thị trường lao động phù hợp, để nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần vào công tác xóa nghèo tại địa phương.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/980213/dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-chu-dong-de-co-viec-lam-tot