Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài - giải pháp thoát nghèo bền vững

Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thấy được điều này, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác hỗ trợ người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm (VHVL).

Kỳ 2: Cơ hội việc làm từ chính sách hỗ trợ người lao động

Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh VHVL được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm. Cụ thể nhất là HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh VHVL từ ngân sách tỉnh (viết tắt Nghị quyết số 02).

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và học sinh, sinh viên

Giải quyết việc làm là một trong những chỉ tiêu quan trọng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Tính đến cuối tháng 11/2023, toàn tỉnh đã thực hiện được 449 trường hợp đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh. Các huyện, thị xã, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Tỉnh Sóc Trăng cũng phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030, hằng năm có khoảng 1.000 - 1.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tham gia chương trình du học sinh VHVL.

Đồng chí Trần Nhuận Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, thị trường lao động ngoài nước có chững lại nhưng đã gần như phục hồi sau đại dịch. Số người lao động đi làm việc ở nước ngoài quay trở lại đạt mức cao hơn trước đại dịch. Đặc biệt là khi HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 02 đã giúp nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động là thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có cơ hội đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến thời điểm này, thị xã Vĩnh Châu có 8 lao động và học sinh, sinh viên tiếp cận vay vốn theo Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh, với mức hỗ trợ vay vốn từ 100 - 200 triệu đồng”.

Chị Kim Thị Ngọc, ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có 2 đứa con đều cho đi du học tại Đài Loan (Trung Quốc) theo chương trình du học sinh VHVL. Chị Ngọc tâm sự: “Đứa con trai học xong lớp 9, tôi cho sang Đài Loan (Trung Quốc) học phổ thông nghề công nghệ thực phẩm, VHVL nên vợ chồng tôi không phải lo chi phí ăn học. Khi học xong sẽ tiếp tục ở lại làm việc. Đầu năm 2023, đứa con gái sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, con tôi dự định thi đại học. Tuy nhiên khi được cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Tư vấn du học Việt Hoa thông tin, tư vấn về chương trình du học tại Đài Loan (Trung Quốc) theo hệ VHVL và được xét hỗ trợ vay 100 triệu đồng theo chương trình du học sinh VHVL, gia đình tôi quyết định cho con đi du học. Gần 1 năm học đại học ngành công nghệ thông tin ở nước ngoài, con tôi VHVL nên gia đình tôi không phải tốn tiền lo cho con ăn học. Con tôi dự định sau khi học xong sẽ tiếp tục ở lại Đài Loan (Trung Quốc) làm việc bởi môi trường làm việc ở đây khá tốt, thu nhập cũng cao”.

Anh Châu Tuấn, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) (bìa phải) có đứa con trai sang Đài Loan (Trung Quốc) du học, hiện nay đang làm việc cho một công ty thực phẩm ở Đài Loan (Trung Quốc), với mức lương gần 40 triệu đồng/tháng. Ảnh: CHÍ BẢO

Còn anh Châu Tuấn, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu tâm sự: “Tôi có đứa con trai sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch, đi làm việc cho một công ty du lịch ở thành phố Cần Thơ, mức lương không đủ sống, nên con trai tôi quyết định sang Đài Loan (Trung Quốc) du học đại học an toàn thực phẩm. Suốt 4 năm VHVL, gia đình tôi không tốn tiền lo cho con. Con tôi đã học xong đại học hồi tháng trước, hiện nay đang làm việc cho một công ty thực phẩm ở Đài Loan (Trung Quốc), với mức lương gần 40 triệu đồng/tháng. Đứa con gái tôi mới tốt nghiệp lớp 9, tôi tiếp tục cho con du học theo chương trình du học sinh VHVL nên không phải tốn chi phí lo cho con ăn học, ra trường là có việc làm ngay, vợ chồng tôi cũng yên tâm”.

Đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Về mặt kinh tế, có thể thấy rõ nhất khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập có tăng lên. Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, tạo nên nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động khác.

Tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở địa phương vẫn còn một số khó khăn, như: người lao động chưa mạnh dạn tham gia các chương trình làm việc có thời hạn ở nước ngoài do e ngại khó khăn về ngôn ngữ, địa lý, môi trường sống thay đổi, một số đơn hàng yêu cầu trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao so với mặt bằng lao động địa phương, tình hình thế giới diễn biến phức tạp nên các đơn hàng bị giảm, ảnh hưởng việc đưa người lao động đi làm việc ở một số nước…

Học sinh, sinh viên tỉnh Sóc Trăng du học ở nước ngoài theo chương trình du học sinh VHVL. Ảnh: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn du học Việt Hoa cung cấp

Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thị xã Vĩnh Châu tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tuyển sinh tham gia chương trình du học sinh VHVL. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh VHVL. Thường xuyên cập nhật các quy định, thông tin, chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chương trình vay vốn tín dụng chính sách xã hội, trong đó ưu tiên các đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Đồng chí Võ Thanh Quang - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Theo kế hoạch năm 2023, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện công tác đưa người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chương trình du học sinh VHVL trên 81 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách tỉnh là 30,4 tỷ đồng; ngân sách Trung ương là 50,8 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động ngân sách tỉnh thực hiện hoạt động truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho lao động (không thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia); hỗ trợ vốn vay (ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh thực hiện cho vay theo Nghị quyết số 02). Đối với ngân sách Trung ương thực hiện hỗ trợ chi phí học nghề, ngoại ngữ, chi phí ban đầu cho lao động (thuộc đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia); hỗ trợ cho các đối tượng vay theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ”.

Có thể nói, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là kênh giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống cho người dân, mang nguồn ngoại tệ về cho đất nước. Chính vì vậy, thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đất nước nói chung.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-giai-phap-thoat-ngheo-ben-vung-69007.html