Đưa nông sản vào siêu thị: Vẫn nhiều trăn trở

Những năm gần đây, khi Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' được đẩy mạnh, các siêu thị ở Nghệ An đã có nhiều chính sách khuyến khích các hợp tác xã đưa nông sản chủ lực vào siêu thị. Song vì nhiều lý do, số lượng nông sản địa phương vào siêu thị còn rất ít.

Lý giải điều này, ông Trần An Khang - Giám đốc Big C Vinh - cho biết, nhiều năm gần đây, siêu thị vẫn thiếu nguồn cung và bà con còn loay hoay với sản phẩm làm ra. Điển hình, một số mặt hàng như: Cam Vinh, tương Nam Đàn, gà đồi, chè, chanh leo… đều "vắng bóng". Siêu thị luôn cần nguồn cung ổn định, lâu dài, cần cam kết từ hợp tác xã (HTX), nhưng không dễ, bởi tâm lý "ăn xổi". Về phía BigC Vinh, sẽ tạo điều kiện cho các HTX bằng việc chiết khấu 0%, đồng thời hướng dẫn HTX làm thủ tục, hồ sơ đạt các điều kiện cần thiết. Hiện, chỉ ít mặt hàng như rau thơm, rau cải, su su của Quỳnh Lưu; giò me, giò bò (Nam Nghĩa - Nam Đàn) xuất hiện tại siêu thị.

Siêu thị Big CNghệ An thiếu vắng sản phẩm địa phương

Siêu thị Big CNghệ An thiếu vắng sản phẩm địa phương

Về phía các nhà sản xuất, HTX lại than khó. Đơn cử như sản phẩm Cam Vinh dù có chỉ dẫn địa lý vẫn khó chen chân vào các hệ thống siêu thị ở Nghệ An, mà chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái thu mua nhỏ lẻ. Ông Hồ Diên Vỹ - Giám đốc HTX rau Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu) - chia sẻ: "Đưa hàng vào siêu thị là điều mà chúng tôi mong muốn.

Sản phẩm của HTX đã có chứng nhận VietGAP, nếu siêu thị tạo điều kiện, thì việc đảm bảo các quy định về mẫu mã, bao bì không phải là vấn đề khó…". Nhưng thực tế, nhiều HTX bị loại ngay từ vòng duyệt hồ sơ do không đủ giấy tờ. Bên cạnh việc có đầy đủ chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, các HTX cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình. Chưa kể, việc thanh toán bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng của HTX để đảm bảo tính minh bạch.

Mới qua quý I/2019, nhưng nhiều loại nông sản đã phải chờ "giải cứu" như khoai lang, su su, dưa chuột, dứa... Song, những chiến dịch giải cứu, dù lớn đến đâu, cũng chỉ có thể là giải pháp tình thế. Để đảm bảo đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ với bà con nông dân mà đại diện là các HTX.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An: "Hiện tượng dư thừa nhiều khi không phải do được mùa hay sản xuất quá nhiều, vượt quy hoạch, mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường và sản xuất của các địa phương khác. Riêng với nhóm sản phẩm địa phương, tình trạng dư thừa chủ yếu mang tính chất thời điểm, khi vào chính vụ thu hoạch như rau quả, ớt, cà rốt, cà chua, hành tăm… Với nhóm này, từng địa phương đều có quy hoạch cụ thể về diện tích từng loại rau, nhưng không hiếm trường hợp nông dân "chạy theo" phong trào, sản xuất ồ ạt, vượt quy hoạch những loại sản phẩm năm trước đã được mùa, được giá, dẫn đến có những thời điểm nhất định lượng hàng sản xuất ra quá lớn".

Có thể thấy, việc các HTX và hệ thống siêu thị lớn tìm được tiếng nói chung trong phối hợp đưa nông sản sạch vào kênh phân phối hiện đại không phải là điều dễ dàng. Các nhà quản lý phải có kế sách dài hơi, để những hoạt động này đi vào thực chất và được duy trì, thì lúc đó người hưởng lợi không ai khác chính là bà con nông dân và người tiêu dùng.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dua-nong-san-vao-sieu-thi-van-nhieu-tran-tro-118486.html