Đưa nước sạch về cho dân bản

Đồn Biên phòng Cồn Roàng, BĐBP Quảng Bình quản lý địa bàn 8 bản thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gồm 313 hộ với 1.299 nhân khẩu, với trên 98% là người Ma Coong. Từ trước tới nay, người dân nơi đây vẫn sử dụng nguồn nước ở những con suối gần bản để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa gây ra nhiều căn bệnh về mắt, tiêu hóa, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mỗi gia đình. Trước thực trạng đó, nhằm giúp người dân thoát khỏi cảnh sử dụng nguồn nước bẩn, Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã kêu gọi các nguồn tài trợ và trực tiếp đóng góp kinh phí, ngày công để đưa nước sạch về cho dân bản.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng cùng người dân vận chuyển bồn chứa nước đến địa điểm lắp đặt. Ảnh: Thành Phú

Bản Coóc mừng vui đón dòng nước sạch

Bản Coóc nằm trên lưng chừng sườn núi, bao quanh là con suối nhỏ được người dân đặt tên trùng với bản mình - suối Coóc. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, gia đình Y Cửi, 38 tuổi, ngày ngày sau buổi đi rẫy về, lại xuống suối Coóc để tắm giặt và cả lấy nước phục vụ cho nhu cầu ăn, uống. Y Cửi chia sẻ: “Người Ma Coong mình quen như vậy rồi, ăn, uống, tắm giặt đều dùng nước ở suối Coóc, ngày mưa, nước đục cũng dùng, người và trâu, bò cùng uống nước ở suối hết”.

Không riêng gì gia đình nhà Y Cửi, mà cả 21 hộ dân với 144 nhân khẩu của bản Coóc đều cùng chung một thói quen khó bỏ ấy. Chính vì thế, không năm nào bản Coóc lại không có người bị mắc các căn bệnh về đường tiêu hóa và mắt do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Hiểu rõ tình trạng của người dân, đầu năm 2017, bằng sự tài trợ nguồn vốn từ tổ chức Đoàn thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm văn hóa Kim Đồng (Hà Nội) và Đồn Biên phòng Cồn Roàng đã đục đá núi để đào giếng cho bà con sử dụng.

Tuy nhiên, dẫu đã được cán bộ Biên phòng cùng địa phương tuyên truyền, song, người dân vẫn không thể bỏ được thói quen dùng nước suối. Giếng lâu ngày ít người sử dụng, khâu quản lý không chặt chẽ, vì thế, trẻ con tha hồ vứt cành cây, vỏ hộp sữa, bánh, kẹo, chai nhựa.... xuống làm nguồn nước bị ô nhiễm, không thể sử dụng được.

Giếng đào không đem lại sự đổi thay về nhận thức của người dân như mong đợi, thêm một lần nữa, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cồn Roàng tìm cách để đưa nguồn nước sạch về cho người dân bản Coóc, đồng thời, từng bước làm thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt từ sông suối không đảm bảo vệ sinh.

Tháng 5/2023, bằng sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, các mạnh thường quân ở nhiều địa phương khác nhau đã đồng ý đầu tư cho bản Coóc một công trình nước sạch gồm 1 giếng khoan, 1 máy bơm, 1 máy phát điện, 1 bồn chứa nước có dung tích 5.000 lít. Sau gần một tháng thi công, ngày 11/6/2023, dòng nước sạch đã về với người dân bản Coóc trong niềm vui và nụ cười rạng rỡ của bà con người đồng bào Ma Coong nơi đây.

Khoan đá núi để tìm nguồn nước

Dòng suối Cồn Roàng chảy quanh bản Cồn Roàng hàng thiên niên kỷ nay luôn chứng kiến cảnh người dân ngày ngày xuống tắm giặt và lấy nước về sinh hoạt, hôm nắng cũng như lúc mưa, dù dòng nước đục ngầu vì phù sa và chứa đựng trong đó là muôn vàn chất bẩn tiềm ẩn sự gieo rắc về bệnh tật. Thế nhưng, từ giữa tháng 6 này trở đi, cảnh người dân xuống suối Cồn Roàng lấy nước về dùng hoàn toàn chấm dứt, bởi bản đã được các mạnh thường quân và Đồn Biên phòng Cồn Roàng tài trợ cho một cái giếng khoan ngay giữa khu dân cư của bản, đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của 58 hộ/281 khẩu trong bản.

Công việc khoan giếng cho dân không hề đơn giản, bởi đây là vùng có thổ nhưỡng khá đặc biệt, chỉ đào sâu xuống khoảng tầm 3 đến 4 mét là đã gặp trúng vỉa đá tảng chạy dọc theo dãy núi đá xuyên suốt chiều dài vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Niềm vui háo hức của trẻ em bản Coóc, xã Thượng Trạch khi được sử dụng nguồn nước sạch. Ảnh: Thành Phú

Anh Nguyễn Đăng Toàn, 43 tuổi, quê ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là thợ khoan giếng chia sẻ: “Tôi đã có 26 năm làm nghề khoan giếng, đến rất nhiều nơi trong tỉnh Quảng Bình cũng như một số địa phương các tỉnh khác, song lần khoan này là khó khăn nhất vì phải khoan độ sâu hơn 70 mét mới tìm được mạch nước ngầm. Thêm vào đó, phía dưới toàn là đá tảng rất cứng, chúng tôi phải thay gần chục mũi khoan trong quá trình thi công”. Mặc dù vậy, khi nhìn thấy dòng nước phun trào từ dưới lòng đất sâu lên, ai cũng nở nụ cười sung sướng vì mình đã góp một phần công sức nhỏ để đưa nguồn nước sạch về cho vùng dân bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cùng chung sức lo cho dân

Trong vòng hơn một tháng, trên địa bàn 5 bản là Cồn Roàng, Coóc, Nịu, Ban, Khe Rung đã có 5 công trình nước sạch, với tổng mức kinh phí đầu tư trên 385 triệu đồng được triển khai thi công. Để có được những công trình nước sạch này cho người dân vùng cao biên giới xã Thượng Trạch sử dụng là công sức và kinh phí của nhiều mạnh thường quân cũng như cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Mạnh thường quân Nguyễn Thị Thu Trinh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiền Vinh ở thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thông qua việc làm ăn với một số doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình và cũng thường xuyên làm công tác từ thiện, tôi được bạn bè mời lên thăm địa bàn xã Thượng Trạch. Nhìn thấy cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều thiếu thốn, nhất là họ phải dùng nguồn nước từ dòng suối tự nhiên không đảm bảo vệ sinh nên tôi và số anh em mạnh thường quân đi cùng đã thống nhất với nhau làm tặng người dân 5 công trình nước sạch. Đây là tấm lòng của anh em chúng tôi nhằm giúp người dân bớt đi khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”.

5 công trình nước sạch đã được hoàn thành với hàng trăm ngày công của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cồn Roàng. Các anh đã vượt qua những ngày nắng gắt, khắc phục những cơn mưa rừng để bốc vác, vận chuyển trang thiết bị, nguyên vật liệu đến từng bản. Trung tá Thái Nam Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Roàng cho biết: “Để kịp tiến độ thi công, chúng tôi đã huy động tất cả cán bộ, chiến sĩ đơn vị cùng trực tiếp tham gia lao động. Việc huy động quân số gần như tối đa mới đảm bảo được thời gian hoàn thành. Thời tiết giai đoạn này cũng có nhiều thay đổi thất thường, có ngày nắng nóng trên 40 độ C, nhưng cũng có ngày mưa tầm tã, mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục để đưa nước sạch về cho người dân sử dụng”.

Dòng nước sạch đã về với bản trong niềm phấn khởi của người dân. Từ nay, những dòng suối chạy quanh bản sẽ vắng bóng người dân xuống lấy nước về dùng và chắc chắn rằng, sức khỏe của dân bản sẽ được nâng cao khi không bị mắc những căn bệnh do sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh gây nên.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dua-nuoc-sach-ve-cho-dan-ban-post463054.html