Đưa phân bón côn trùng vào nông nghiệp hữu cơ

Dế là loài côn trùng có kích thước chỉ 2 cm nên phân của chúng rất nhỏ. Thế nhưng, bằng sự đam mê với các loài côn trùng, đặc biệt là dế, ông Võ Thuận (1963, trú xã Hòa Châu, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã nghiên cứu, tìm tòi ra lợi ích của phân dế và đem đến cho nông dân loại phân hữu cơ mới thay thế các loại phân hóa học.

Dế là loài côn trùng có kích thước chỉ 2 cm nên phân của chúng rất nhỏ. Thế nhưng, bằng sự đam mê với các loài côn trùng, đặc biệt là dế, ông Võ Thuận (1963, trú xã Hòa Châu, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã nghiên cứu, tìm tòi ra lợi ích của phân dế và đem đến cho nông dân loại phân hữu cơ mới thay thế các loại phân hóa học.

Vườn rau sạch xanh tốt khi được sử dụng phân dế.

Tại các khu vườn hữu cơ ở Cẩm Nê, Yến Nê (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), ngoài việc người dân không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh hóa học thì đất trồng ở đây cũng không có bất cứ loại phân hóa học nào. Nhiều năm nay, nông dân đã và đang sử dụng phân dế.

Sản xuất rau sạch thành công từ phân dế trên khu đất canh tác 2.500m2, ông Nguyễn Văn Dũng (1954, trú thôn Yến Nê) cho biết: "Khi sử dụng phân dế, thời gian tăng trưởng của cây trồng được rút ngắn hơn so với các loại phân hữu cơ khác, vì thành phần giá trị dinh dưỡng như đạm, kali, lân có trong phân dế cao hơn nhiều. Phân dế sau khi lấy thô, tôi nghiên cứu thêm cách ủ phân dế để tăng độ ẩm cao thúc đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của rau hơn". Ông Nguyễn Hữu Lợi (1961, trú thôn Cẩm Nê), cũng hào hứng khi nói về tác dụng của phân dế: "Những ngày đầu khi được giới thiệu phân dế dùng bón cây, tôi cũng quan ngại về chất lượng nhưng khi sử dụng một thời gian rau xanh tốt và khỏe mạnh hơn rất nhiều. Không chỉ có phân dế, tôi còn phát hiện ra sơ dừa ủ dế cũng có giá trị không kém. Độ ẩm trong sơ dừa ủ dế cao giúp đất tơi xốp, bên cạnh đó còn xót lại trứng dế ung rất giàu dinh dưỡng nên khi sử dụng cây trồng hấp thu được nhiều dinh dưỡng".

Khi được hỏi phân dế được lấy từ đâu thì các hộ nông dân đều nhắc đến ông Võ Thuận. Ông Thuận chính là người tìm ra được lợi ích của phân dế giúp người nông dân vùng sản xuất rau sạch Cẩm Nê, Yến Nê có thêm phân bón hữu cơ mới. Vốn có niềm đam mê với những loài côn trùng nên ông Thuận luôn hứng thú tìm tòi giá trị của từng loài mang lại. Lợi thế có người em trai là chủ trang trại nuôi dế khủng, nhận thấy phân dế thải ra hằng ngày số lượng nhiều nhưng lại không sử dụng, ông Thuận đã bắt đầu lên mạng tìm hiểu thông tin.

Trên các trang điện tử Việt Nam, ông không tìm được bất kể tài liệu nào nói về phân dế. Ông Thuận tiếp tục nhờ con trai vào các trang điện tử về nông nghiệp của nước ngoài, sau đó dịch sang tiếng Việt rồi nghiên cứu. Ông Thuận tâm sự: "Ở Mỹ họ áp dụng phân dế vào nông nghiệp hữu cơ đã lâu và rất hiệu quả. Khi đọc các tài liệu và thấy được chất dinh dưỡng mà phân dế mang lại, tôi tiến hành thử nghiệm vào các loại cây có trong vườn. Kết quả bất ngờ khi chỉ sau 5 ngày cây đã phát triển, thời gian tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh hơn các loại phân bón trước kia. Phân dế giúp đất nền tơi xốp và giàu chất dinh dưỡng hơn".

Sau thời gian áp dụng thực tế, ông Thuận không ngần ngại chia sẻ cho các hộ dân trồng rau sạch trên địa bàn H. Hòa Vang. Mỗi hộ trồng rau sạch, ông đều đem một bao phân dế 5kg cho người dân dùng thử và trải nghiệm. Chỉ sau thời gian ngắn, ông dần trở thành "đầu mối" cung cấp phân dế đến người nông dân. Sau 2 năm áp dụng, đến nay đã có gần 15 hộ nông dân trồng rau sạch ở xã Hòa Tiến sử dụng phân dế thay thế hoàn toàn cho các loại phân bón trước đây. Đến nay, phân dế được xem như một thành phần chính không thể thiếu đối với các hộ nông dân tại đây. Ngoài đáp ứng giá trị dinh dưỡng thì giá thành phân dế cũng vừa phải, phù hợp với điều kiện sản xuất, giúp tăng năng suất cũng như tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Võ Thuận (phải) cùng người dân bên phân dế đã được ủ, chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Vùng rau sạch Cẩm Nê, Yến Nê luôn đáp ứng những tiêu chí mà thành phố Đà Nẵng hướng đến là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Đặng Quốc Tuấn cho hay, phân dế được nhiều hộ dân sử dụng đạt kết quả cao, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Các loại rau đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng đều đảm bảo các chỉ số, hàm lượng cho phép.

Thời gian qua, bên cạnh thế mạnh là rau sạch, xã Hòa Tiến tập trung triển khai một số mô hình sản xuất hữu cơ và bước đầu đạt được kết quả khá tích cực. Theo ông Đặng Quốc Tuấn, xã Hòa Tiến còn đẩy mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như lúa giống, áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ của công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm, hướng người dân sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ông Tuấn còn triển khai kế hoạch đến các hộ dân việc sản xuất chế biến những món ăn sạch không hóa chất phục vụ cho mọi người.

Diệu Huyền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_226575_dua-phan-bon-con-trung-vao-nong-nghiep-huu-co.aspx