Đưa phong trào vào trường học

Ngoài bài giảng, trang sách, thời gian qua, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã học được nhiều điều hay từ các hoạt động, phong trào đoàn, hội, đội. Đằng sau thành quả ấy là sự nỗ lực phối hợp trách nhiệm, chặt chẽ giữa Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT).

Học sinh Trường THPT Đông Hà nhận chăm sóc các cụ già neo đơn, hay đau ốm - Ảnh: T.L

Đầu tháng 5 vừa qua, Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025. Tại buổi lễ, nhìn lại chặng đường đã qua, các thủ lĩnh của tuổi trẻ và người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà đều vui mừng trước những thành quả gặt hái được. Từng có thời điểm, một số người cho rằng, trên ghế nhà trường, việc của học sinh chỉ đơn thuần là học. Khi thấy các hoạt động đoàn, hội, đội sôi nổi, thiết thực lan tỏa trong trường học, những người mang quan niệm cũ đó đã nhanh chóng thay đổi. Thực tế ấy thôi thúc các cấp bộ đoàn, hội, đội trên địa bàn tích cực hơn trong việc phối hợp với nhà trường. Đặc biệt, kể từ khi Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT ký kết chương trình phối hợp, những hoạt động, phong trào của tuổi trẻ trường học phát triển càng thêm mạnh mẽ.

Đằng sau mỗi hoạt động, phong trào trong nhà trường là rất nhiều tâm huyết. Các cán bộ đoàn, hội, đội và giáo viên phải luôn trăn trở, tìm tòi, sáng tạo ra những hoạt động vừa thiết thực, bổ ích, vừa phù hợp, hấp dẫn học sinh. Được sự thống nhất của Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT, các cấp bộ đoàn, hội, đội và cơ sở giáo dục trên địa bàn đều tập trung triển khai các hoạt động, phong trào giúp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, xây dựng văn hóa học đường; thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng, tay nghề; tư vấn, hỗ trợ, phân luồng, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng… Xây dựng tổ chức đoàn, hội, đội trong trường học vững mạnh được xem là nhiệm vụ trọng tâm. Riêng 3 năm qua, gần 31.000 đoàn viên và 45.000 đội viên đã được kết nạp, là lực lượng nòng cốt cho hoạt động, phong trào đoàn, hội, đội trong trường học.

Điều đáng ghi nhận là công tác phối hợp giữa Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT luôn đảm bảo đúng kế hoạch, đồng bộ, ngày càng đi vào chiều sâu. Các nội dung phối hợp được triển khai, thực hiện tốt. Trên cơ sở quy chế phối hợp của hai đơn vị, các cấp bộ đoàn, hội, đội cùng cơ sở giáo dục trên địa bàn chọn phong trào thi đua học tập, nghiên cứu khoa học, rèn luyện tay nghề, kỹ năng làm mũi nhọn. Với sự quyết tâm, nỗ lực cao, 100% đoàn trường học đã tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” và các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm khác như: “Mùa thi nghiêm túc”, “Giờ học kiểu mẫu”, “Bông hoa điểm 10”, “Xóa điểm 5, vượt điểm 7, chiếm lĩnh điểm 9, 10”… Nhiều cuộc thi mang sắc màu tuổi trẻ đã được tổ chức, thu hút đông đảo học sinh tham gia như: “Sáng tạo trẻ”, “Tin học trẻ”, “Thế hệ sáng tạo”, “Rung chuông vàng”… Gần 150 câu lạc bộ học tập, ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học cho học sinh đã được thành lập tại các trường, giúp học sinh có thêm những sân chơi trí tuệ bổ ích. Cuộc vận động “Mỗi đoàn viên, thanh niên một ý tưởng, sáng kiến sáng tạo” được các cấp bộ đoàn, hội, đội và nhà trường triển khai ngày càng đi vào chiều sâu.

Nắm bắt nhu cầu của học sinh, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT đã định hướng cho các cơ sở đoàn, hội, đội và nhà trường triển khai tốt các hoạt động đồng hành với thanh niên trong học tập, nghề nghiệp và việc làm. Trên cơ sở ấy, nhiều hoạt động hướng nghiệp, định hướng chọn trường, chọn nghề cho học sinh ngoài giờ lên lớp, trong các ngày hội việc làm hay chương trình trải nghiệm đến với trường nghề, làng nghề, doanh nghiệp, nhà máy… đã được tổ chức. Sôi nổi, hiệu quả nhất có thể kể đến ngày hội “Thanh niên trường học với nghề nghiệp và việc làm” được tổ chức hằng năm. Thông qua ngày hội, rất nhiều đoàn viên, thanh niên đã được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Nêu cao trách nhiệm, các cấp bộ đoàn, hội đã chủ động tìm kiếm nguồn lực chăm lo, hỗ trợ học sinh, sinh viên tự tin khởi nghiệp. Nhờ thế, ngay trên ghế nhà trường, khá nhiều học sinh trong tỉnh đã xác định được con đường khởi nghiệp, lập nghiệp cho mình.

Từ sự phối hợp của Tỉnh đoàn và Sở GD&ĐT, các hoạt động an sinh xã hội, phong trào tình nguyện trong học sinh ngày càng phát triển. Hằng năm, hai cơ quan phối hợp tổ chức chiến dịch tình nguyện hè “Hoa phượng đỏ” cấp tỉnh. Tại các liên đội, phong trào “Kế hoạch nhỏ” thu hút đông đảo đội viên, thiếu nhi. Các cơ sở đoàn, hội, đội trường học tích cực vận động nguồn lực để triển khai, thực hiện cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”. Qua cuộc vận động này, 600 học sinh trên địa bàn đã được nhận đỡ đầu dài hạn; hơn 2.000 suất học bổng, gần 7.500 phần quà được trao tận tay học sinh vượt khó; xây dựng 19 tủ sách học đường…

So với trước kia, hiện nay, các hoạt động, phong trào đoàn, hội, đội trong trường học đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều cuộc vận động, hoạt động, phong trào đã trở thành “thương hiệu” của tuổi trẻ học đường Quảng Trị như: “Vì đàn em thân yêu”, “Tuổi trẻ học đường Quảng Trị hướng về biển đảo Tổ quốc”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”… Từ đây, công tác dạy và học cũng như đoàn, hội, đội trường học trên địa bàn có nhiều bước tiến mới. Đặc biệt, nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên, đội viên đã và đang chuyển biến tích cực. Trên ghế nhà trường, ngày càng nhiều gương sáng, điển hình tiên tiến đã xuất hiện, làm ngời sáng thêm hình ảnh đẹp của học sinh Quảng Trị hôm nay.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157977&title=dua-phong-trao-vao-truong-hoc