Đưa sản phẩm dầu tràm chăm sóc sức khỏe mẹ và bé đến mọi nhà

Cô gái 8x Hồ Phương Anh mong muốn xây dựng thương hiệu dầu tràm Việt để du khách gần xa khi tới Việt Nam đều tìm mua. Gần gũi hơn, cô mong phụ nữ, đặc biệt là các mẹ sau sinh, cũng như em bé có sức khỏe tốt… từ các sản phẩm thảo dược, không hóa chất.

Hồ Phương Anh kinh doanh từ chính trải nghiệm sản phẩm dầu tràm của bản thân - Ảnh: An Huy

Kinh doanh vì muốn được gần con

Quê gốc của Hồ Phương Anh (SN 1982) ở huyện An Lão, Bình Định. Cô ví von như thể sinh ra trong tràm, bởi trong cuộc sống người dân quê cô ứng dụng tràm rất nhiều, đặc biệt là với phụ nữ sau sinh, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh.

Cách đây 10 năm, Phương Anh lập gia đình và chuyển ra sống ở Hà Nội. “Tôi thấy miền Bắc trời rét, rất dễ nhiễm lạnh, nhưng ứng dụng tràm chưa nhiều, trong khi đây là sản phẩm thực sự tốt”.

Giờ khen sản phẩm tốt nhưng Phương Anh nhớ lại thời điểm cô sinh bé thứ hai vào năm 2010. Thời điểm đó miền Bắc đang rất lạnh, vợ chồng cô vừa mua nhà, hay chạy qua chạy lại nhà mới nên đã bị nhiễm lạnh. “Phụ nữ sau sinh nhiễm lạnh, cảm giác như lạnh từ trong xương ra vậy, không cách gì làm cơ thể ấm lên”.

Lúc đó mẹ Phương Anh đang ở Hà Nội nên đã dùng dầu tràm mát-xa cho con gái. “Thú thực, lúc đó là thanh niên hiện đại, tôi không thấy tin vào cách của mẹ. Nhưng trải nghiệm rồi mới thấy thật thần kỳ. Khi mẹ mát-xa xong, tôi hết lạnh. Đặc biệt, các cụ hay nói sau sinh mà không kiêng bị nhiễm lạnh rồi sẽ rất hay bị lại, nhưng từ đó đến nay tôi chưa một lần bị lại”, Phương Anh chia sẻ.

Sau lần đó, Phương Anh bắt đầu chia sẻ sản phẩm dầu tràm với suy nghĩ sản phẩm thực sự tốt mình đã trải nghiệm, mong muốn mỗi hộ gia đình, sau sinh các phụ nữ được dùng dầu tràm để chống nhiễm lạnh, các con được dùng để ngừa nhiễm lạnh và dùng sớm thì việc trị ho của con hiệu quả hơn, không phải dùng đến kháng sinh.

Thêm vào đó, vì hai con trai đều còn quá nhỏ, Phương Anh nghĩ, đi làm tháng kiếm được vài triệu đồng, nếu thuê giúp việc cũng mất 4 triệu rồi. Cô luôn quan niệm, con mình mình phải nuôi (không phải không tin tưởng ông bà, vì ông bà rất yêu cháu), nhưng cô muốn tự mình chăm sóc con để có sự cận kề, con cảm nhận được tình yêu thương, gần gũi với mẹ.

Tinh dầu Viên Minh tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé từ thảo dược - Ảnh: NVCC

“Có lẽ phụ nữ nào cũng muốn làm sao để có vị trí trong xã hội, có thu nhập mà vẫn có đủ thời gian dành cho con, cho gia đình. Với tôi, công việc mới đáp ứng được cả hai yếu tố này. Tôi được trò chuyện với các mẹ để chia sẻ, đồng cảm với nhau. Nhiều khi con ốm có thể hủy hết để lo cho con, đi làm hành chính không thể làm được điều này”, Phương Anh nói về lý do cô bắt đầu ý định phân phối dầu tràm chỉ đơn giản như vậy.

Tuy nhiên, lúc đầu mới làm vô cùng khó khăn vì công nghệ không biết, nói chung là mọi thứ đều không biết, vừa làm vừa học. Thời gian đầu mày mò 1-2 giờ sáng mới ngủ, sáng dậy sớm đưa con đi học, về đến nhà lại ôm máy tính gõ lọc cọc tư vấn, chia sẻ… Chiều đón con về, chăm con ăn uống, 10 giờ con ngủ thì mẹ lại ôm máy làm việc. “Bù lại giờ tôi có thể xử lý được mọi việc, dù so với siêu cao thủ không là gì nhưng tôi đã tự tin có thể làm chủ phần việc của mình”.

Hiện tại, Tinh dầu Viên Minh của Phương Anh có 10 nhân viên, với vùng nguyên liệu rải rác ở 4 tỉnh.

Xây dựng thương hiệu cho tràm

Tốt nghiệp ra trường, Phương Anh từng làm phiên dịch cho công ty nước ngoài, trợ lý giám đốc công ty gỗ ở Quy Nhơn, phó giám đốc trung tâm ngoại ngữ ở Hải Dương… Đến khi con trứng gà, trứng vịt (SN 2009, 2010), cô mới nghĩ đến chuyện “chuyển hướng”.

“Sống ở Hà Nội 10 năm thì đã có thâm niên 7 năm đưa dầu tràm đến với mọi người. Tinh dầu Viên Minh thành lập được 5 năm, đi theo dòng chăm sóc sức khỏe mẹ và bé từ dầu tràm, xoay quanh ngừa và trị ho, muỗi đốt cho con; ngừa rụng tóc, tẩy da chết… cho mẹ”, Phương Anh chia sẻ.

Hồ Phương Anh tại vùng nguyên liệu tràm với diện tích 10ha ở Ninh Bình - Ảnh: NVCC

Từ chỗ chỉ chia sẻ để các mẹ khác biết được sản phẩm tốt, Phương Anh dần nuôi ước mơ xây dựng thảo dược tràm thành thương hiệu. “Giống như người ta đi Singapore sẽ tìm mua dầu gió con Ó xanh. Ở Việt Nam, tràm cũng là nguyên liệu làm nên dầu gió nên tôi mong đến một ngày, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tìm mua sản phẩm dầu tràm”.

Nghĩ là làm, nhờ có lợi thế ngoại ngữ, Phương Anh kết nối, xin theo các chương trình dự án của châu Âu, để được các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng bền vững hơn. Từ quy trình thu hái đến chiết xuất đều đạt chuẩn GACP (chuẩn dược liệu sạch của Tổ chức Y tế Thế giới- WHO).

Phương Anh cũng chia sẻ, lý do cô muốn mở vùng trồng nguyên liệu ở các tỉnh là do trước đây làm ở quy mô nhỏ, chủ yếu thu mua trong các cộng đồng. Nhưng đến khi sản xuất ở diện lớn hơn, cô đã nghĩ làm vậy không khác nào phá rừng vì thu mua tự do, dân hái đại trà thì tài nguyên kiểu gì cũng cạn kiệt, chưa kể nguyên liệu sẽ bị thoái hóa vì không được chăm sóc.

Ý thức được điều này, 2 năm vừa rồi Phương Anh đã làm một vùng nguyên liệu ở Ninh Bình với diện tích 10ha, nay đã bắt đầu khai thác được. “Cũng chật vật hơn, nhưng tôi cảm thấy tinh thần thoải mái, bảo vệ được môi trường và có nguyên liệu chất lượng do có kỹ sư theo dõi thường xuyên”, Phương Anh chia sẻ, “Công ty cũng sẽ phát triển bền vững hơn vì khi làm ở diện lớn thì 10ha hay 100ha thì vẫn phải kết hợp với dân địa phương. Họ được chuyển giao kỹ thuật và giúp mình chăm sóc, thu hái, công ty đã bao tiêu toàn bộ đầu ra đạt chuẩn”.

Mục đích lớn hơn của việc xây dựng quy trình hoàn chỉnh theo chuẩn quốc tế là để sau này các chuyên gia sẽ giúp mang sản phẩm của mình đến với cộng đồng của họ- một bước để có thể tiếp cận thị trường thế giới. “Nếu tự mình mày mò để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế sẽ không đơn giản, nhưng khi có chuyên gia nước ngoài đảm bảo cho mình về mặt kỹ thuật, chất lượng và họ còn mang sản phẩm của mình ra thế giới, đến với cộng đồng châu Âu của họ thì mọi việc sẽ thuận lợi hơn”.

Kinh doanh kiểu… truyền miệng

Các sản phẩm cho mẹ và bé từ dầu tràm của Tinh dầu Viên Minh đã có mặt trên thị trường hơn 5 năm, nhưng vẫn kinh doanh chủ yếu theo hình thức… truyền miệng, khách hàng dùng thấy tốt lại mang khách hàng mới đến. Có những người muốn bạn bè, người thân được dùng nên xin làm đại lý, mạng lưới dần mở rộng nhờ sự lan tỏa từ chính những người đã trải nghiệm sản phẩm. Phương Anh tự nhận, cách kinh doanh của công ty cô không bài bản và có chiến lược như những công ty chuyên nghiệp, mà là kiểu làm “thuần tự nhiên, chất phác như người nông dân”.

Phương Anh (áo tím) và các đồng nghiệp tại vùng nguyên liệu Ninh Bình - Ảnh: NVCC

Chắc hiếm có công ty nào bán hàng mà không lập tức thu tiền ngay như Viên Minh, Phương Anh giải thích: Có thể những mẹ đó chưa trả được tiền vì con đang mệt, ốm cần sản phẩm ngay vì thế công ty ưu tiên việc chuyển hàng trước.

Nhiều “nhà phân phối” của Viên Minh hiện tại là các mẹ bỉm sữa, giáo viên, nhân viên công sở… Họ thích sản phẩm và chung mong muốn, giới thiệu để bạn bè, người thân cùng dùng. “Không ít công ty kinh doanh cùng lĩnh vực lôi kéo các đại lý của Viên Minh, nhưng họ không đồng ý bởi họ kinh doanh xuất phát từ việc yêu thích sản phẩm, đam mê chia sẻ, chứ không kinh doanh hoàn toàn vì lợi nhuận”.

Viên Minh có nhóm hỗ trợ nhau bán hàng, kinh doanh, nhưng cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy con… hình thành một cộng đồng sống yêu thương.

* Tên doanh nghiệp là Viên Minh được Phương Anh lựa chọn với mong muốn hướng đến sự Viên mãn tròn đầy về sức khỏe, trí tuệ cho các con yêu.

* Địa chỉ website: http://www.tinhdauvienminh.com

* Quan điểm kinh doanh của Hồ Phương Anh vô cùng đơn giản: “Mình dùng sao thì sẽ bán vậy!”.

Bảo Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/dua-san-pham-dau-tram-cham-soc-suc-khoe-me-va-be-den-moi-nha-post51130.html