Đưa sáng tác âm nhạc mới vào đời sống

Liên hoan âm nhạc toàn quốc 2018 được thực hiện khác với những mùa trước. Đó là việc Hội Nhạc sĩ Việt Nam tuyển chọn sáng tác mới từ các địa phương, sau đó tổ chức hòa âm, phối khí và biểu diễn bởi các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì thế, những sáng tác mới được nâng cao chất lượng, có thêm cơ hội đi vào đời sống.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, lực lượng sáng tác âm nhạc của nước ta khá dồi dào. Chỉ tính riêng hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã là 1.500 người, trong đó, hội viên chuyên ngành sáng tác chiếm đa số. Mỗi năm, các sáng tác mới lên tới con số hàng nghìn, nhưng số lượng được “vang lên” rồi đi vào đời sống lại khá khiêm tốn. Vì thế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nỗ lực tổ chức liên hoan âm nhạc toàn quốc 9 năm qua, nhằm tạo cơ hội để đưa các tác phẩm âm nhạc mới vào đời sống.

Đặc biệt, Liên hoan âm nhạc toàn quốc năm nay được tổ chức tại hai khu vực - Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (dự kiến). Các tác phẩm tham gia được hòa âm, phối khí và biểu diễn bởi hơn 150 nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật lớn như Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đoàn Văn công Quân khu 1, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam,… Trong giới nhạc, viết nhạc phẩm chỉ là bước đầu tiên, các bước tiếp theo như hòa âm, phối khí, dàn dựng, biểu diễn sẽ góp phần tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. “Có nhiều sáng tác chất lượng tốt của các nhạc sĩ, nhất là những tác giả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…, không có điều kiện được phối khí, dàn dựng và biểu diễn chuyên nghiệp nên khó tiếp cận công chúng. Điều này rất lãng phí” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ. Vì vậy, những thay đổi trong liên hoan lần này đã đáp ứng đúng nhu cầu của giới làm nghề và góp phần đem đến công chúng những tác phẩm đa dạng, chất lượng.

Liên hoan âm nhạc toàn quốc khu vực phía Bắc có 42 tiết mục của các nhạc sĩ thuộc 31 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra. Đáng ghi nhận là toàn bộ tác phẩm này đều hướng đến những đề tài lớn trong xã hội, đang được khuyến khích sáng tác: Giữ gìn biển đảo quê hương và thành tựu xây dựng nông thôn mới. Hội đồng giám khảo nhận định, nhiều tác phẩm vừa có sự tìm tòi sáng tác mới, vừa có khả năng đi vào đời sống lâu bền. Đó là tác phẩm “Sonatine cho violon, cello, piano” của Trần Nhật Bằng (Hà Nội) “được viết bài bản và có những chấm phá về tiết tấu, hòa âm ở phần phát triển, nghe rất lý thú” - nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét. Hay ca khúc “Khúc hát nơi đầu sóng” của nhạc sĩ kỳ cựu Ngô Quốc Tính khiến người hát và người nghe như bị say sóng bởi những quãng khó và chuyển điệu liên tục đầy xúc cảm. Ca khúc “Chếnh choáng chợ xuân” của nhạc sĩ Mạnh Cường (Điện Biên) có nhiều tìm tòi và sắp xếp hợp lý chất liệu âm nhạc của người Mông nên nghe khá cuốn hút và độc đáo…

Có một điều thấy rõ nữa từ liên hoan lần này là mảng sáng tác khí nhạc khá khiêm tốn, 3/42 tác phẩm. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhận định, đó là thực tế đời sống âm nhạc Việt - nhạc nhẹ lấn át nhạc hàn lâm, ca khúc lấn át khí nhạc. “Khí nhạc là thể loại âm nhạc quan trọng, mang giá trị nghệ thuật cao, chuyển tải nhiều nội dung về lịch sử, triết lý, cuộc sống. Nhưng cũng vì đòi hỏi cao về trình độ người thưởng thức nên khán giả ngày càng ít, dẫn đến nhiều nhạc sĩ nản lòng. Tuy nhiên, một nền âm nhạc mà thiếu mảng sáng tác khí nhạc thì khó có chỗ đứng trên thế giới” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ.

Việc tổ chức thêm nhiều liên hoan âm nhạc tương tự, hoặc các chương trình tôn vinh sáng tác mới, tác phẩm khí nhạc... chính là cách để những tác phẩm âm nhạc mới, có ý nghĩa, có chất lượng được “vang lên”, thẩm thấu vào đời sống một cách hiệu quả.

Thụy Du

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Am-nhac/915697/dua-sang-tac-am-nhac-moi-vao-doi-song