Đưa Tây Ninh thành tỉnh phát triển khá của Đông Nam Bộ và cả nước

Sáng 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 350 đại biểu đại diện cho gần 37.000 đảng viên thuộc 13 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tin tưởng Tây Ninh tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển vượt bậc trong 5 năm tới. Ảnh: Báo Tây Ninh

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tin tưởng Tây Ninh tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển vượt bậc trong 5 năm tới. Ảnh: Báo Tây Ninh

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Đồng chí tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục tăng cường đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát triển vượt bậc trong 5 năm tới, xây dựng Tây Ninh trở thành một tỉnh khá trong vùng Đông Nam Bộ và đến năm 2030 là tỉnh khá trong cả nước, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới đây.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đại hội thảo luận, đánh giá sâu sắc và đầy đủ hơn những thành tựu đã đạt được, những mặt hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong văn kiện, phân tích kỹ những nguyên nhân, để xác định được đúng mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm tới, phù hợp với thực tế của tỉnh Tây Ninh.

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Tây Ninh cần thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 4 chương trình đột phá đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Tây Ninh cần hướng mạnh hơn nữa vào khai thác lợi thế về vị trí địa lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm trên trục hành lang Đông-Tây, tuyến đường Xuyên Á và có 3 cửa khẩu quốc tế với Campuchia để phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, dịch vụ logistics, thúc đẩy kinh tế biên mậu.

Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh phải đồng thời quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc; xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách đối với những người có công với nước, người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Tiếp tục củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tỉnh cần có quyết tâm cao, bước đi phù hợp, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của nhân dân Tây Ninh.

Không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đạo đức, lối sống trong sáng.

Ảnh: Báo Tây Ninh

Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X nêu rõ, giai đoạn 2015-2020 tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng nổi bật, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức được chú trọng thường xuyên, chuyển biến tích cực.

Kinh tế phát triển nhanh, toàn diện đạt nhiều thành tựu nổi bật như tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,2%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,68 lần so với giai đoạn trước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.135 USD, cao gấp 1,51 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,9% trong GRDP. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội bình quân chiếm 37,5% GRDP, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao.

Hầu hết các chỉ tiêu về văn hóa-xã hội đạt và vượt nghị quyết đề ra. Khoa học công nghệ tiếp tục đổi mới và phát triển. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm. Đặc biệt, Tây Ninh nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%, không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương.

Song song phát triển kinh tế-xã hội, Tây Ninh tập trung xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh, xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Tây Ninh thực hiện nhất quán quan điểm: Phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước; đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Dự thảo báo cáo chính trị cũng đã đưa ra các nhóm chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp. Cụ thể, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, về phát triển du lịch, về phát triển nguồn nhân lực gắn với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, tháo gỡ “điểm nghẽn” về quy hoạch, đất đai, đầu tư. Xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chất lượng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng. Nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế cửa khẩu (Mộc Bài, Xa Mát) phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/dua-tay-ninh-thanh-tinh-phat-trien-kha-cua-dong-nam-bo-va-ca-nuoc/410703.vgp