Đưa thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh nêu rõ, nhiều cử tri phản ánh việc đưa thịt lợn vào danh mục mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi. Bởi, so với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đa dạng hơn trước…

Ngày 1/6, thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ quan tâm đối với vấn đề thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp.

Theo Đại biểu, tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng, dầu do Ủy ban Kinh tế thực hiện, có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng, dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới. Cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thực trạng hiệu quả và sự cần thiết của quỹ này. Theo đó, đề xuất Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá, có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia. Trong kỳ họp này, Quốc hội đang thảo luận để xem xét, thông qua dự án Luật Giá, có một số ý kiến còn băn khoăn về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) nêu kiến nghị của cử tri.

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh, nhiều cử tri phản ánh việc đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi, vì một số lý do sau đây: So với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm thủy sản, trứng, thịt gia cầm và thịt bò.

Trong khi đó, rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn, do thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp. Dịch tả lợn châu Phi vẫn là thách thức tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu chính như tỷ lệ tiêu tốn thức ăn, tỷ lệ chết rất cao. Phần lớn khoảng 80% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống nên việc áp dụng chính sách tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng, hỗ trợ giá khi giá bán dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó.

Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách đang rất khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá.

Quốc hội họp tại hội trường, ngày 1/6.

“Từ lý do nêu trên, một số hiệp hội ngành hàng về chăn nuôi đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng và tính khả thi khi đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong dự án Luật Giá. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để điều tiết thị trường thực phẩm thiết yếu nói chung, thịt lợn nói riêng” Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh nói.

Theo Đại biểu, Chính phủ cần sớm tổ chức triển khai điểm a khoản 1 Điều 4 chính sách của Nhà nước về chăn nuôi tại Luật Chăn nuôi. Cụ thể, quy định Nhà nước đầu tư cho hoạt động dự trữ sản phẩm chăn nuôi phù hợp của từng thời kỳ, chính sách đã rõ, việc cần làm ngay là Chính phủ tổ chức thực thi chính sách này trên thực tế, dành nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ đầu tư với phương thức phù hợp.

Nữ Đại biểu nhấn mạnh: “Chẳng hạn như có chính sách phù hợp để hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng kho lạnh, nhà máy giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn dự trữ thịt gia súc, gia cầm để điều tiết giá. Khi giá xuống dưới mức cảnh báo sẽ bổ sung dự trữ thịt lợn, để hạ nhiệt đà tăng giá thì xả kho dự trữ”.

Các đại biểu dự phiên họp.

Cùng với đó, cần có chính sách hiệu quả, đảm bảo cân đối cung cầu, hỗ trợ nông dân tái đàn, đồng thời cần tăng cường giám sát để điều tiết năng lực sản xuất và giá cả nhằm giữ ổn định thị trường, đảm bảo quyền và lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng vì mục tiêu an sinh hướng tới xuất khẩu. Để quản lý, điều tiết thị trường hiệu quả thì nhiệm vụ quan trọng là phải tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tôn trọng quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp, quản lý giá theo cơ chế thị trường, giảm tối đa các biện pháp hành chính.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dua-thit-lon-vao-danh-muc-mat-hang-binh-on-gia-la-kho-kha-thi-post250012.html