Đưa tình huống vào huấn luyện là quan trọng và cần thiết

LTS: Từ ngày 2-1-2019, Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài 'Tăng cường đưa tình huống vào huấn luyện: Kinh nghiệm của Sư đoàn 312', đi sâu vào nêu kinh nghiệm của cán bộ, chỉ huy các cấp và các tập thể đơn vị của sư đoàn trong việc xử lý các tình huống thường gặp trong huấn luyện, chiến đấu, công tác... Đây là vấn đề đã được Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện từ năm 2016. Sau khi vệt bài được đăng, Báo Quân đội nhân dân nhận được nhiều ý kiến tâm huyết. Chúng tôi trích giới thiệu một số ý kiến tới bạn đọc.

Đại tá Phạm Văn Rậm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 (Quân khu 7): Coi trọng xây dựng tình huống cơ bản

Tăng cường đưa tình huống vào huấn luyện ở Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) là kinh nghiệm hay cần được phổ biến, nhân rộng. Từ thực tiễn công tác tổ chức, chỉ đạo huấn luyện, chúng tôi nhận thấy: Để đưa tình huống vào huấn luyện đạt kết quả cao, bên cạnh giáo dục tính chất, đặc thù nhiệm vụ quân sự, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần rà soát, đánh giá thực chất phẩm chất, trình độ của cán bộ, đặc điểm nhiệm vụ đơn vị, từ đó tập huấn, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ các cấp cập nhật những vấn đề mới trong quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, từ đó xác định nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể trong tổ chức thực thiện. Trên cơ sở thực hiện tốt phần huấn luyện cơ bản, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần nhận định, dự báo sát những tình huống có thể xảy ra trong huấn luyện, chiến đấu, học tập, công tác để có cách xử lý phù hợp. Đây là một trong những khâu có tính quyết định đến chất lượng huấn luyện các tình huống, đồng thời làm cơ sở xây dựng những tình huống cơ bản, có nguyên tắc, cơ sở khoa học và thực tiễn. Thực hiện vấn đề này, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có nghị quyết, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy dân chủ trong xây dựng tình huống, đặc biệt là phát huy vai trò, năng lực của cán bộ chủ trì.

Đại tá Phạm Văn Rậm.

Những năm qua, Sư đoàn 5 cũng đã tập trung tìm hiểu truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu của cha anh và các cuộc chiến tranh gần đây, những vấn đề mới trong cuộc sống để lựa chọn xây dựng tình huống cơ bản, một cách hệ thống. Trên cơ sở đó, các đơn vị bồi dưỡng phát triển, hình thành tư duy phương pháp xử trí các tình huống cho người học, nhằm nâng cao tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo, sát chức trách, nhiệm vụ, đặc điểm đơn vị, địa bàn. Từ kinh nghiệm của Quân đoàn 1, chúng tôi cho rằng, các đơn vị cần tiếp tục tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong xử lý các tình huống.

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cuộc sống không ngừng thay đổi, vì vậy, đơn vị cũng không nên cứng nhắc, gò ép khuôn mẫu các tình huống mà cần thường xuyên bổ sung, phát triển trong từng nhiệm vụ cụ thể. Kết thúc mỗi khoa mục huấn luyện, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cần rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nhân rộng cách làm, nêu vấn đề mới nhằm khơi dậy tư duy sáng tạo của người học để thảo luận trong nội dung huấn luyện tiếp theo.

DUY HIỂN (lược ghi)

----------------------------

Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9: Đưa các tình huống huấn luyện sát với điều kiện sông nước

Tôi khá tâm đắc khi đọc vệt bài nói về việc tăng cường đưa các tình huống vào huấn luyện của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Thời gian qua, Đảng ủy Quân khu 9 luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và tình hình đặc thù ở đồng bằng sông nước, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, tập trung lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp toàn diện nhiệm vụ huấn luyện. Trong đó coi trọng việc đưa các tình huống để bộ đội xử trí sát với điều kiện sông nước. Chúng tôi cho rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì trong huấn luyện càng phải đưa bộ đội vào sát tình huống thực tế để xử lý, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng cho bộ đội. Trước hết là huấn luyện thuần thục động tác, học từ dễ đến khó, học đến đâu thực hành đến đó. Không được học chay, khoán chương trình. Trong huấn luyện, các đơn vị trong quân khu cũng chú trọng vận dụng tốt quan điểm, nguyên tắc và các mối kết hợp một cách chặt chẽ, sát tình hình nhiệm vụ của từng đơn vị, phù hợp với điều kiện thực tế. Theo kinh nghiệm của Quân khu 9, để các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian qua chính là phải tổ chức huấn luyện sát thực tế, ở cường độ cao và trong nhiều điều kiện, hoàn cảnh. Thông qua huấn luyện để rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho bộ đội trong xử lý các tình huống, nhất là trong điều kiện phức tạp.

Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy.

Để rèn luyện bộ đội với những tình huống sát thực tế chiến đấu, 5 năm trở lại đây, Quân khu 9 đã tổ chức 15 cuộc diễn tập chỉ huy-tham mưu và khu vực phòng thủ cấp tỉnh, thành phố. Các cuộc diễn tập này đều có sự tham gia của các đơn vị chủ lực, lực lượng đặc công, trinh sát… để tham gia giải quyết các tình huống; phần thực binh có sử dụng đạn hơi, thuốc nổ và bắn đạn thật; phương án diễn tập được xây dựng sát với quyết tâm tác chiến phòng thủ và kế hoạch tác chiến của quân khu. Các sư đoàn, lữ đoàn đều tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan cả trên bản đồ và ngoài thực địa. Trong đó, hằng năm, các trung đoàn bộ binh đủ quân được tăng cường binh khí kỹ thuật, hiệp đồng với không quân của bộ, luân phiên bắn đạn thật cấp tiểu đoàn ở các hình thức chiến thuật tiến công và phòng ngự, kể cả hình thức phòng ngự bờ biển đạt kết quả tốt. Thời gian gần đây, cùng với tổ chức thành công các cuộc diễn tập tác chiến phòng thủ có bắn đạn thật cho Lữ đoàn 950 và Trung đoàn 152 để phục vụ cho các đơn vị toàn quân tham quan… quân khu cũng chỉ đạo các đơn vị chú trọng huấn luyện nội dung kỹ thuật chiến đấu bộ binh. Theo đó, các đơn vị tập trung đổi mới, nâng cao về tổ chức và phương pháp huấn luyện các bài bắn súng. Đặc biệt là các bài bắn mặt đất, mặt nước cho các loại súng, pháo được biên chế. Đây là những nội dung khó nhưng đã được tổ chức huấn luyện và kiểm tra chặt chẽ, sát với điều kiện địa hình đứng chân và làm nhiệm vụ của quân khu.

HÀ KIÊN (lược ghi)

--------------------------

Đồng chí Âu Văn Yên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Ba Lan: Tình huống trong huấn luyện phải được khái quát thành nguyên tắc

Trong thực tế chiến đấu trên chiến trường ở bất kỳ cuộc chiến tranh nào, người cầm súng đều phải xử lý tốt các tình huống. Để tình huống được giải quyết tốt, đòi hỏi công tác huấn luyện phải chu đáo, tỉ mỉ, sát điều kiện chiến trường. Quân đội chúng ta là quân đội bách chiến, bách thắng. Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, kiên cường. Ở các cuộc chiến tranh chúng ta đã đi qua, dù thời gian huấn luyện không nhiều, nhưng đội ngũ cán bộ đã biết kết hợp hài hòa giữa các kỹ thuật chiến đấu với kinh nghiệm xử lý tình huống khi cơ động, tiến công và phòng ngự của cha ông...

Đồng chí Âu Văn Yên.

Là một cựu chiến binh, tôi rất tâm đắc khi được đọc vệt bài nói về việc tăng cường đưa các tình huống vào huấn luyện của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chiến tranh có sử dụng vũ khí hiện đại, công nghệ cao thì việc đưa tình huống vào quá trình huấn luyện, góp phần nâng cao trình độ tác chiến, hiệp đồng của bộ đội là rất cần thiết. Các tình huống này phải được chia nhỏ, khái quát thành nguyên tắc để bộ đội học, rèn thuần thục, trở thành phản xạ có điều kiện trong chiến đấu. Tình huống phải được xây dựng sát với thực tế chiến đấu, sát với đặc điểm của đơn vị, của khu vực, địa hình, thời tiết, khí hậu. Ngoài các tình huống trong đội hình chiến đấu cấp trung đội, đại đội và cao hơn nữa cần xây dựng những tình huống trong đội hình tiểu đội, tổ chiến đấu và của các cá nhân. Các tình huống phải được gắn kết với nhau để quá trình xử lý tạo sự liên hoàn, thống nhất và không tách rời với quá trình huấn luyện cơ bản. Bên cạnh các tình huống về quân sự, chính trị, cần có các tình huống về công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khí hậu, thời tiết, môi trường chiến đấu khắc nhiệt.

Đối với các cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội, cần có chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo để bộ đội giải quyết tốt các tình huống trong diễn tập tác chiến có bắn đạt thật, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp. Duy trì công tác kiểm tra, phúc tra huấn luyện nghiêm túc, triệt để khắc phục bệnh thành tích trong huấn luyện. Việc tăng cường các tình huống trong huấn luyện sẽ tạo cơ sở để nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong điều kiện mới.

QUANG THẮNG (lược ghi)

----------------------------------

Đại tá Đỗ Ngọc Hiên, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 395 (Quân khu 3): Chủ động nêu các tình huống để bộ đội xử trí

Tôi hết sức tâm đắc với nội dung vệt bài nêu kinh nghiệm trong tổ chức huấn luyện ở Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) của Báo Quân đội nhân dân. Đây là những kinh nghiệm hay để từng cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức huấn luyện bộ đội. Đối với Sư đoàn 395 (Quân khu 3), đưa tình huống vào các nội dung huấn luyện đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp ở đơn vị đặc biệt quan tâm. Theo đó, việc kết hợp giữa huấn luyện với SSCĐ ở Sư đoàn 395 chúng tôi được thể hiện ngay từ khâu xây dựng kế hoạch huấn luyện. Quá trình xây dựng kế hoạch, cùng với việc xác định các nội dung huấn luyện đã xác định các nội dung cho công tác SSCĐ, luyện tập chỉ huy, cơ quan và đơn vị; huấn luyện chiến dịch, nghiên cứu đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn và khả năng của địch; huấn luyện binh chủng ngành và huấn luyện chuyên môn kỹ thuật gắn với nâng cao khả năng SSCĐ của từng cơ quan, đơn vị. Trong quá trình huấn luyện đã thường xuyên giáo dục cho bộ đội nêu cao ý thức địch tình, chủ động nêu các tình huống sát với điều kiện thực tiễn để bộ đội xử trí, như: Địch tập kích hỏa lực vào khu vực huấn luyện, lực lượng xấu đột nhập vào khu vực huấn luyện của đơn vị, tình huống xảy ra cháy, nổ, mất an toàn… qua đó đã nâng cao khả năng SSCĐ của chỉ huy và phân đội khi có tình huống xảy ra.

Đại tá Đỗ Ngọc Hiên.

Trong thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ hành quân dã ngoại, diễn tập, nhất là huấn luyện đêm và trong diễn tập vòng tổng hợp, đơn vị đã kết hợp giữa huấn luyện với nâng cao khả năng SSCĐ của cơ quan, đơn vị thông qua các tình huống sát với thực tế tác chiến. Các đơn vị trong sư đoàn thường xuyên nêu tình huống, như: Địch sử dụng vũ khí công nghệ cao bắn phá vào đội hình cơ động; đơn vị cơ động, gặp biệt kích, thám báo; địch tập kích vũ khí hóa học; thông tin liên lạc bị gián đoạn… hay những tình huống kẻ xấu kích động nhân dân tụ tập, biểu tình, ngăn chặn đội hình hành quân, người quá khích không cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn… để cho các chỉ huy xử trí. Qua xử trí tình huống đã góp phần nâng cao khả năng cơ động, tính linh hoạt trong ứng phó với nhiều tình huống và khả năng hiệp đồng, chỉ huy tác chiến của các cơ quan, đơn vị trong sư đoàn.

Đặc biệt trong kiểm tra đánh giá kết quả đơn vị theo kế hoạch, hoặc đột xuất, sư đoàn thường kết hợp giữa kiểm tra 4 mặt công tác với báo động cơ động lực lượng ra một khu vực khác ngoài doanh trại để nhận nhiệm vụ SSCĐ theo các phương án tác chiến, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy, nổ, cháy rừng… nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, khả năng cơ động SSCĐ của các đơn vị.

NGÔ DUY ĐÔNG (lược ghi)

-----------------------------------

Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 737 (Quân khu 5): Vận dụng nhiều hình thức, biện pháp quản lý tư tưởng

Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ của các đơn vị quân đội đều có sự phát triển, đặt ra cho công tác huấn luyện, SSCĐ yêu cầu ngày càng cao và toàn diện hơn. Tăng cường đưa tình huống vào huấn luyện như vệt bài của Báo Quân đội nhân dân viết về Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), tôi đọc thấy rất tâm đắc. Tôi thấy rằng, xử lý tốt các tình huống tư tưởng trong huấn luyện là nội dung quan trọng để xây dựng bản lĩnh, ý chí quyết tâm cho bộ đội.

Đại tá Nguyễn Thế Thái.

Đối với đơn vị chúng tôi, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực để tiến hành công tác tư tưởng trong quản lý, huấn luyện đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đoàn làm tốt việc quán triệt đặc điểm, tình hình, đề cao tinh thần trách nhiệm, dự kiến trước những vấn đề nảy sinh, chi phối đến tư tưởng bộ đội để có biện pháp giải quyết kịp thời, không để đột biến xảy ra. Đồng thời, tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức, hoàn thiện các quy chế, quy định trong lãnh đạo, chỉ đạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu, hướng dẫn triển khai công tác tư tưởng trong quản lý đơn vị của cơ quan chính trị. Đoàn phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân nhằm thực hiện đồng bộ, kịp thời các nội dung, biện pháp tiến hành công tác tư tưởng...

Cùng với đó, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, thông báo thời sự... tạo điều kiện tốt nhất cho bộ đội sinh hoạt, tham quan, giải trí, nhất là trong các ngày lễ, tết, giờ nghỉ, ngày nghỉ. Tiến hành tốt công tác tư tưởng trong huấn luyện, góp phần quan trọng để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội được nâng lên, kết quả huấn luyện hằng năm đều đạt khá, giỏi, trình độ SSCĐ, mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó bền chặt.

QUANG THẮNG (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/dua-tinh-huong-vao-huan-luyen-la-quan-trong-va-can-thiet-559758