'Đưa tôi lọ muối' - khoảnh khắc giúp Đức ứng phó tốt với Covid-19

Hồi tháng 1, trong bữa trưa ở công ty sản xuất phụ tùng ôtô, một người đàn ông đã nhờ đồng nghiệp ngồi cạnh đưa cho lọ muối, và đó cũng là lúc anh ta tiếp xúc với virus corona.

Việc hành động nhỏ như vậy được ghi lại là kết quả của sự kiểm tra quyết liệt và truy vết kỹ càng - một phần của câu chuyện thành công hiếm hoi trong ứng phó với đại dịch Covid-19 diễn ra ở Đức.

Hai nhân viên này là một liên kết sớm trong chuỗi lây nhiễm đầu tiên diễn ra bên ngoài châu Á của virus corona chủng mới. Họ làm việc tại trụ sở của công ty sản xuất phụ tùng ôtô Webasto Group ở Stockdorf, thị trấn 4.000 dân gần thành phố Munich, xứ Bavaria.

Trụ sở công ty sản xuất phụ tùng ôtô Webasto tại Stockdorf, gần Munich - nơi đầu tiên ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở Đức. Ảnh: Reuters.

Công ty đã thu hút sự chú ý toàn cầu sau khi phát hiện ra một nhân viên của họ, một phụ nữ Trung Quốc, đã nhiễm virus và mang nó đến trụ sở của Webasto. Tại đây, virus đã lây lan sang các đồng nghiệp của cô, bao gồm một người ăn trưa trong căn tin không hề có tiếp xúc trực tiếp với người phụ nữ này.

Quyết liệt ngay từ đầu

Sự việc "Đưa tôi lọ muối" diễn ra ngày 22/1 ở căn tin của công ty chỉ là một trong hàng chục sự kiện nhỏ nhặt mà các nhà khoa học đã ghi lại trong cuộc săn lùng và truy vết kỹ càng nhằm theo dõi, kiểm tra và cách ly các công nhân bị nhiễm virus, giúp chính quyền vùng Bavaria ngăn chặn sự lây lan của virus.

Chiến dịch này cũng giúp Đức có sự chuẩn bị cũng như khoảng thời gian quan trọng để xây dựng hệ thống phòng thủ trước Covid-19. Các nhà khoa học cho rằng chính nó đã giúp nước Đức ngăn chặn rất nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19.

Tính đến ngày 15/4, Đức hiện là nước có số ca nhiễm virus được xác nhận cao thứ tư thế giới, với 132.718 trường hợp. Thành tựu của nước này nằm ở việc tỷ lệ tử vong nằm ở dưới 1%, với 3.592 người chết. Trong khi đó, Pháp, nước có số ca nhiễm tương đương Đức, có số ca tử vong lên đến hơn 15.000.

Đợt bùng phát đầu tiên ở Đức được ghi nhận sớm hơn so với Italy, nhưng tỷ lệ tử vong giữa 2 nước là một trời một vực. Cho tới ngày 21/2 Italy mới ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, và đến lúc đó thì Đức đã khởi động một chiến dịch thông tin từ Bộ Y tế cũng như đã có chiến lược của chính phủ đối với việc xét nghiệm virus trên diện rộng.

Khi Đức ghi nhận hơn 3.000 trường hợp tử vong trên dân số 83 triệu người, Italy với 60 triệu dân đã có tới hơn 21.000 người chết vì virus.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi phải theo dõi tỉ mỉ các chuỗi lây nhiễm để có thể làm gián đoạn chúng", bác sĩ Clemens Wendtner, người điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Munich, chia sẻ với Reuters.

Ông Wendtner đã hợp tác với một số nhà khoa học hàng đầu của Đức để xử lý "ổ dịch Munich", và họ cũng tư vấn cho chính quyền bang Bavaria về cách đối phó với dịch bệnh. Đây là bang đầu tiên trên cả nước tiến hành phong tỏa, vào ngày 20/3.

Ông Christian Drosten, nhà virus học hàng đầu tại bệnh viện Charite ở Berlin, cho biết Đức may mắn vì có một ổ dịch sớm.

"Bởi vì chúng tôi có vấn đề ở Munich ngay từ ban đầu... nên rõ ràng là nếu hành động mạnh mẽ chúng tôi có thể ức chế sự lây lan này hơn nữa", ông nói trên đài phát thanh NDR.

Ông Christian Drosten, nhà virus học hàng đầu của Đức, đã sớm tham gia nghiên cứu về ổ dịch ở Munich. Ảnh: AP.

Chuyên gia Drosten là một trong 40 nhà khoa học tham gia chiến dịch nghiên cứu kỹ lưỡng về cụm lây nhiễm ở Munich, những gì họ làm đã được ghi lại một cách sơ bộ trong một bài báo khoa học được đăng vào cuối tháng trước.

Bệnh nhân số 0

Ngày 27/1 là một ngày thứ hai, hôm đó ông Holger Engelmann, CEO của Webasto, thông báo với nhà chức trách rằng một nhân viên của ông đã dương tính với virus corona chủng mới. Người phụ nữ này sống ở Thượng Hải và đã tham gia cuộc hội thảo trong vài ngày cũng như các cuộc họp ở trụ sở của Webasto.

Cha mẹ của người phụ nữ này đến từ Vũ Hán và đã tới thăm cô trước khi cô đến Stockforf vào ngày 19/1. Khi tới Đức, cô cảm thấy đau ngực và đau lưng bất thường, cũng như cảm thấy mệt mỏi trong toàn bộ thời gian ở đây, nhưng cô cho rằng đây chỉ là jetlag.

Cô có các triệu chứng cúm rõ hơn khi trên chuyến bay trở về Trung Quốc, sau đó xét nghiệm dương tính với virus khi hạ cánh và được đưa tới bệnh viện. Cha mẹ của cô cũng dương tính và cô thông báo điều này tới quản lý của mình ở Webasto - người sau đó đã gửi email tới CEO công ty.

Ở Đức, ông Engelmann cho biết mình đã ngay lập tức thành lập một đội xử lý khủng khoảng, gửi thông tin tới giới chức y tế và bắt đầu truy vết các nhân viên có tiếp xúc trực tiếp với đồng nghiệp người Trung Quốc.

Bản thân ông Engelmann cũng nằm trong danh sách này. "Chỉ 4 hoặc 5 ngày trước khi biết tin, tôi đã bắt tay cô ấy", ông nói.

Giờ đây được biết đến là "Bệnh nhân số 0" ở Đức, người phụ nữ Thượng Hải là một "nhân viên kỳ cựu, có năng lực quản lý dự án" và là người mà ông biết đích danh, theo CEO Engelmann.

Công ty không tiết lộ danh tính của cô hoặc những người có liên quan, và cho biết việc đảm bảo quyền riêng tư đã khiến cho các nhân viên hợp tác trong nỗ lực ngăn chặn virus của Đức.

Việc tìm kiếm những người có tiếp xúc với bệnh nhân số 0 cũng trở nên dễ dàng hơn vì tất cả các nhân viên Webasto đều có lịch làm việc điện tử, và các bác sĩ chỉ cần xem danh sách cuộc họp của nhân viên để tìm ra họ.

"Đó hoàn toàn là may mắn. Chúng tôi có tất cả những thông tin cần thiết từ các nhân viên để tái tạo chuỗi lây nhiễm", bác sĩ Wendtner nhận định.

Lấy ví dụ, bệnh nhân số 1 - người đầu tiên ở Đức bị lây nhiễm từ người phụ nữ Trung Quốc - ngồi cạnh cô này trong một cuộc họp diễn ra tại phòng nhỏ ngày 20/1.

Việc xét nghiệm trên diện rộng ngay từ đầu là một trong những chiến lược giúp Đức ứng phó hiệu quả với Covid-19. Ảnh: Reuters.

Khi các dữ liệu làm việc không đầy đủ, các nhà khoa học sẽ sử dụng toàn bộ trình tự bộ gen, phân tích sự khác biệt trong mã di truyền của virus từ các bệnh nhân khác nhau, để lập bản đồ về sự lây lan của nó.

Bằng cách theo dõi tất cả các liên kết này, họ phát hiện ra rằng bệnh nhân số 4 đã tiếp xúc nhiều lần với bệnh nhân Thượng Hải. Sau đó, bệnh nhân số 4 có ngồi quay lưng với một đồng nghiệp trong căn tin.

Khi người đồng nghiệp này nhờ bệnh nhân số 4 đưa cho lọ muối, các nhà khoa học nhận định virus đã lan truyền giữa họ. Người này trở thành bệnh nhân số 5.

Chưa phải chiến thắng

Webasto cho biết họ tạm thời đóng cửa trụ sở công ty ở Stockdorf từ 28/1. Từ ngày 27/1 đến 11/2, tổng cộng 16 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được phát hiện từ ổ dịch này. Trong tất cả số đó, chỉ có 1 người xuất hiện triệu chứng bệnh.

Những người có kết quả xét nghiệm dương tính đều được gửi đến bệnh viện để họ có thể được theo dõi cũng như giúp các bác sĩ nghiên cứu thêm về căn bệnh mới mẻ này.

Bavaria phong tỏa toàn bộ bang từ giữa tháng 3. Những nơi khác của nước Đức từ đó đã đóng cửa các trường học, nhà hàng, cửa hàng, sân chơi và cơ sở thể thao. Nhiều công ty cũng dừng hoạt động để tham gia vào nỗ lực của chính phủ.

Nhưng điều này không có nghĩa là nước Đức đã chiến thắng Covid-19.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức là 1,9%, thấp nhất trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bệnh dịch, và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 12,6% ở Italy. Nhưng các chuyên gia cho rằng việc sẽ có nhiều cái chết hơn ở Đức là không thể tránh khỏi.

"Tỷ lệ tử vong sẽ tăng lên", ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm, nhận định.

Sự khác biệt giữa Đức và Italy có thể được lý giải một phần bằng việc xét nghiệm.

Tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn rất nhiều vì nước này đã thực hiện xét nghiệm rộng rãi. Đã có hơn 1,3 triệu xét nghiệm được thực hiện ở Đức, và con số này sẽ tăng lên khoảng 500.000 mỗi tuần.

Trong khi đó, Italy mới thực hiện hơn 807.000 xét nghiệm kể từ ngày 21/2, theo cơ quan bảo vệ dân sự nước này. Với một vài ngoại lệ, việc xét nghiệm ở Italy chỉ diễn ra khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện và có triệu chứng rõ ràng.

Sau khi nghiên cứu ổ dịch Munich, chính phủ Đức có thêm 1 tuần để đối phó với dịch bệnh và họ sử dụng thời gian đó để tăng gấp đôi số giường bệnh chăm sóc tích cực của nước này.

Đức vốn đã có tỷ lệ giường bệnh chăm sóc tích cực trên dân số cao nhất ở châu Âu, theo một thống kê năm 2012.

Người Đức xếp hàng bên ngoài một trung tâm xét nghiệm ở bệnh viện Havelhoehe ở Berlin. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, như vậy có thể vẫn là chưa đủ. Một nghiên cứu của Bộ Nội vụ Đức gửi tới chính phủ cho biết kịch bản tồi tệ nhất có thể dẫn tới hơn 1 triệu người tử vong. Một kịch bản khác cho rằng số tử vong sẽ nằm ở khoảng 12.000 người nếu vừa tích cực xét nghiệm vừa nới lỏng một phần các biện pháp cách ly.

Kế hoạch này được gọi là "Búa và Khiêu vũ" - trong đó búa nghĩa là xét nghiệm tích cực trên diện rộng kết hợp với phong tỏa chặt chẽ, còn khiêu vũ nghĩa là tinh chỉnh các quy định cách ly sao cho phù hợp với tốc độ lây lan.

Chính phủ cho biết họ sẽ đánh giá lại các quy định phong tỏa sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh. Còn đối với nhà sản xuất phụ tùng xe hơi ở Stockdorf - nơi đầu tiên dịch bệnh bùng phát - cuộc khủng hoảng đã đi qua. Văn phòng của Webasto đã mở cửa trở lại, và 16 người nhiễm Covid-19 ở đây đều đã hồi phục.

Quốc Thăng
Theo Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dua-toi-lo-muoi-khoanh-khac-giup-duc-ung-pho-tot-voi-covid-19-post1073449.html