Đưa tôm lên sàn giao dịch

Đầu tháng 4-2019, Ban quản lý dự án 'Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam (SusV)', Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và tổ chức Oxfam phối hợp Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long đã ra mắt 'Sàn giao dịch tôm Việt'. Đây là sàn giao dịch mua - bán tôm duy nhất ở nước ta đi vào hoạt động đến thời điểm hiện tại. Sàn giao dịch có sự tham gia của người nuôi, người bán, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và các bên cung cấp dịch vụ con giống, thức ăn... Sự ra đời của sàn giao dịch tôm Việt (https://cnsv.vn) nhằm hạn chế và dần tiến tới loại bỏ khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa nông dân với người mua tôm nguyên liệu.

Theo đó, nông dân sẽ giới thiệu thông tin về lô tôm nguyên liệu muốn bán để “niêm yết” trên sàn. Khi có người mua với những nhu cầu tương tự thông tin rao bán thì nhà quản trị sàn sẽ kết nối hai bên với nhau để thương lượng về việc thu hoạch, vận chuyển, thậm chí điều chỉnh giá theo kích cỡ nguyên liệu tôm thực tế. Giá chốt bán cuối cùng sẽ được báo lại cho sàn giao dịch và thông báo công khai, có thể dùng để tham khảo cho những người mua, người bán khác khi giao dịch.

Nhiều năm trở lại đây, ngành tôm luôn đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản nước ta. Nghề nuôi tôm cũng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên, ngành tôm cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là biến động thị trường, giá cả bấp bênh khiến người nuôi tôm nhiều phen lao đao, thậm chí phá sản. Còn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thì nhiều thời điểm rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, không đáp ứng được các hợp đồng đã ký với đối tác nhập khẩu. Chưa kể, chất lượng tôm nuôi cũng trở thành vấn đề nóng trong thời gian gần đây, nhất là các vấn đề liên quan tạp chất và dư lượng thuốc kháng sinh trong tôm nguyên liệu. Hậu quả là có những lô hàng tôm đã bị đơn vị nhập khẩu trả về vì không đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng lớn đến uy tín của tôm Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của sàn giao dịch tôm được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước biến chuyển mới cho sản xuất và tiêu thụ tôm. Cụ thể, việc công khai các thông số về vùng nuôi, chất lượng tôm sẽ giúp người nuôi có ý thức hơn ngay từ khâu chọn lựa giống, thức ăn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Còn khi bán, sẽ có giá “tham chiếu” để cập nhật kịp thời, tránh thiếu thông tin mà phải bán theo giá thương lái đưa ra như trước đây. Người mua cũng được báo về chất lượng sản phẩm, giá thành để nhanh chóng lựa chọn những lô hàng phù hợp nhu cầu. Về lâu dài, thông qua các hoạt động trên sàn giao dịch như giá bán, sản lượng, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cơ sở thực tế để định hướng, chỉ đạo các địa phương sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đồng thời tiến tới ký kết các hợp đồng trên sàn giao dịch giữa người mua và người bán, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất và sống ổn định với nghề nuôi tôm.

TIẾN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/39917302-dua-tom-len-san-giao-dich.html