Đưa văn hóa và con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển Thủ đô

Ra đời từ tháng 2-1943, đến nay 'Đề cương về văn hóa Việt Nam' vẫn còn nguyên giá trị lý luận khoa học và thực tiễn. Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời 'Đề cương về văn hóa Việt Nam' (1943-2023), Phóng viên Báo Hànôịmới đã phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản về những kết quả nổi bật của Hà Nội trong phát triển văn hóa, con người, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô.

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Nhật Nam

Những hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận luôn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Ảnh: Nhật Nam

- Trước tiên, đồng chí cho biết quan điểm của thành phố Hà Nội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô?

- Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Thăng Long - Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt trải qua bao thăng trầm, với nhiều chiến công vang dội, luôn là trung tâm văn hóa của đất nước; nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên. Thủ đô Hà Nội được xác định là “... Trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ…”. Hà Nội luôn tự hào về các giá trị văn hóa, lịch sử cả truyền thống và hiện đại; “sở hữu” kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng (gồm 5.922 di tích, 1 Di sản văn hóa thế giới; 1.793 Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản tư liệu thế giới; 1.350 làng nghề, làng có nghề...) và có đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân lớn nhất cả nước...

Hà Nội được cả nước và thế giới biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng; là điểm đến an toàn và thành công của các nhà đầu tư, nơi giao lưu văn hóa, gặp gỡ thân tình, tin cậy của bạn bè quốc tế.

- Vậy, chủ trương về phát triển văn hóa được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong các nghị quyết, chương trình ra sao, thưa đồng chí?

- Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “... Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đồng thời, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững...”; đồng thời, xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực, nguồn lực và sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; khẳng định vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô.

Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU đã chỉ đạo tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-02-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO với các biện pháp cụ thể, như: Xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố, kết nối, đầu tư cho các không gian sáng tạo; tổ chức tuần Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm; tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ... Đây là một chiến lược đúng đắn, bởi Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng, thế mạnh trong việc phát huy các không gian sáng tạo.

Thời gian tới, thành phố sẽ có những cơ chế, chính sách đồng bộ hơn để khuyến khích các doanh nghiệp xã hội, cộng đồng phát triển nhiều không gian sáng tạo hơn nữa, tạo bước tiến lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, thành phố chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, như: Du lịch văn hóa, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, các không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật,... là những lĩnh vực mà Hà Nội có tiềm năng, lợi thế để tạo ra ưu thế, thương hiệu riêng cho thành phố, thu hút đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, quảng bá hình ảnh nâng cao vị thế Thủ đô, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

- Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình số 06-CTr/TU, đặc biệt là những dấu ấn trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh?

- Năm 2022, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và hậu quả dịch Covid-19 có những tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Song, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với nhiều đổi mới; trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh. Việc tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao được đổi mới, nâng cao chất lượng; nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nổi bật, để lại ấn tượng sâu sắc với du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt trong dịp diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và đánh giá cao. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, nâng cao số lượng, chất lượng trường chuẩn quốc gia. Thể thao chuyên nghiệp tiếp tục đạt thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế và trong nước.

Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động tích cực, nhất là việc cụ thể hóa chương trình bằng các dự án (từ 21 dự án, đã cụ thể hóa thành 28 dự án thành phần); đề xuất danh mục đầu tư công giai đoạn 2022-2025, nhất là lĩnh vực giáo dục, văn hóa và y tế, tập trung vào kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và nâng cấp, tu bổ di tích trên địa bàn giai đoạn 2022-2025...

Công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện chương trình được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành chú trọng triển khai thường xuyên với nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Hệ thống cơ quan báo chí thành phố đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm là kênh thông tin quan trọng, góp phần tích cực, hiệu quả đưa nội dung, mục đích, ý nghĩa, cũng như những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình; tích cực phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

- Trong thời gian tới, sự nghiệp phát triển văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh như thế nào để có kết quả toàn diện hơn, thưa đồng chí?

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24-11-2021), trên cơ sở kế thừa và phát triển quan điểm lý luận của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, quyết tâm hiện thực hóa mục đích, ý nghĩa, cũng như những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), đặc biệt trong lĩnh vực phát triển văn hóa, cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền; nhanh chóng khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong công tác triển khai; đề cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị, tính gương mẫu, tự giác trong việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục đổi mới cách làm, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và có các giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình, nghị quyết, cũng như có các giải pháp bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ mới và khó mà thành phố đã xác định, như việc triển khai chiến lược “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với thực hiện các cam kết của Hà Nội tham gia mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO.

Vận động người dân tích cực tham gia thực hiện; kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng cái hay, cái đẹp, cũng như phê phán cái xấu, cái chưa đẹp. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, phát huy được vai trò, thế mạnh của báo chí truyền thông.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc ngành Văn hóa, các cơ quan, đơn vị văn hóa, nghệ thuật, các hội văn học, nghệ thuật đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phát động văn nghệ sĩ hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật gắn với việc tích cực triển khai Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua của các cơ quan, địa phương, đơn vị..., góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về những quan điểm, chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, góp phần thiết thực cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới.

Tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực này, gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố Sáng tạo”, xây dựng “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trọng tâm là việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của trung ương, Thành ủy Hà Nội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chúng ta tin chắc rằng, với sự quyết tâm đổi mới, sáng tạo, thành phố Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đưa văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng, quyết định sự phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1056678/dua-van-hoa-va-con-nguoi-ha-noi-tro-thanh-nguon-luc-noi-sinh-quan-trong-de-phat-trien-thu-do