Dựa vào căn cứ nào để thanh tra doanh nghiệp tư?

Theo Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), việc ra quyết định thanh tra doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải có căn cứ như có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, yêu cầu giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN (Thanh tra Chính phủ - TTCP) cho hay, Luật PCTN năm 2018 mở rộng thêm thẩm quyền, phạm vi thanh tra. Theo đó, cơ quan thanh tra không chỉ thanh tra các cơ quan Nhà nước mà có thể “bơi” đến các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

“Tuy nhiên, Luật cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra nếu không làm tròn nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm bỏ lọt hành vi tham nhũng”, ông Hùng lưu ý.

Điều 64, Luật PCTN quy định rõ, trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đoàn thanh tra nếu đã phát hiện, báo cáo về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người ra quyết định thanh tra không xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và cá nhân có liên quan không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chỉ thanh tra khi có dấu hiệu rõ ràng về vi phạm

Với khu vực ngoài Nhà nước, theo quy định của Luật PCTN, Nghị định 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, TTCP, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thanh tra công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Nhưng không phải bất cứ lúc nào, cơ quan thanh tra cũng có quyền “đụng” đến khu vực ngoài Nhà nước. Luật quy định rõ, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm: nguyên tắc công khai, minh bạch, nội dung công khai, minh bạch, hình thức công khai, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.

Quy định chi tiết, theo Nghị định 59, ra quyết định thanh tra phải có 1 trong các căn cứ: có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định); yêu cầu của việc giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Nội dung thanh tra gồm: Việc thực hiện công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và các nội dung khác về thực hiện quy định của pháp luật có liên quan đến PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Thẩm quyền thanh tra

Nghị định 59 cũng quy định rõ, thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đó.

Thanh tra Bộ Nội vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với tổ chức xã hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng có trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh khi có căn cứ mà Thanh tra bộ quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng đó không tiến hành thanh tra. Quyết định thanh tra phải được gửi TTCP và Thanh tra bộ có thẩm quyền.

“Trước khi ra quyết định thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh phải trao đối với Chánh Thanh tra bộ có thẩm quyền. Trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Tổng TTCP để xem xét, quyết định”, Điều 59, Nghị định 59 nêu.

Thanh tra tỉnh cũng có thẩm quyền thanh tra tổ chức xã hội do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện.

Còn TTCP có thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện; doanh nghiệp, tổ chức khi được Thủ tướng Chính phủ giao hoặc khi có căn cứ quy định tại nghị định 59 mà các cơ quan thanh tra khác không tiến hành thanh tra.

Không thống nhất trong xử lý chồng chéo, Tổng Thanh tra sẽ quyết định

Khi phát hiện chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra các bộ, giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh thì các Cơ quan thanh tra có trách nhiệm phối hợp, trao đổi, thống nhất hướng xử lý.

Cụ thể: Cuộc thanh tra chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra các bộ thì Thanh tra của bộ có chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động chính của đối tượng thanh tra tiến hành thanh tra.

Cuộc thanh tra chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra bộ với Thanh tra tỉnh thì Thanh tra bộ tiến hành thanh tra.

Trường hợp các cơ quan thanh tra không thống nhất được về việc xử lý chồng chéo hoặc doanh nghiệp, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra thì Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, kiến nghị, phản ánh, Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về việc xử lý chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra.

Cũng theo Nghị định 59, kết luận thanh tra đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải được công khai theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trường hợp kết luận doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCTN thì danh sách doanh nghiệp đó phải được gửi về các Bộ, cơ quan quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử.

Còn với tổ chức có hành vi vi phạm thì danh sách phải được gửi về Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ theo phân cấp quản lý để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử.

Trong trường hợp hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về PCTN có dấu hiệu tội phạm thì người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định của pháp luật.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/tin-tuc-chong-tham-nhung/trong-nuoc/dua-vao-can-cu-nao-de-thanh-tra-doanh-nghiep-tu_t114c1080n151647