Dựa vào cộng đồng để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Hiện Việt Nam có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm hơn 11% dân số, tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng này lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Nâng cao sức khỏe người già qua việc xây dựng mô hình hợp tác giữa mô hình bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng- diễn ra sáng 13/11, tại Hà Nội.

Khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

Thiếu dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
Theo phân tích của các chuyên gia, với tốc độ già hóa đứng trong tốp 5 trên thế giới và hệ thống chăm sóc, an sinh xã hội, các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn rất yếu và thiếu. Đây là những thách thức lớn cho việc chăm sóc và đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay.

Trên thực tế, phần lớn các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão… hiện nay chủ yếu còn mang tính trợ cấp trong khi lại thiếu các chính sách để hỗ trợ phát triển các cơ sở tư nhân tiếp nhận, nuôi dưỡng người cao tuổi. Tại không ít các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, viện dưỡng lão, người cao tuổi coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình, ở đó họ không phải phiền đến con cháu chăm lo, lại có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, trò chuyện, bầu bạn với những người bạn già cùng lứa tuổi. Dẫu thế, để vào được những trung tâm chăm sóc tốt với mức chi phí trung bình hiện còn cao thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để đưa bố, mẹ, ông bà vào các trung tâm để được chăm sóc.

Theo thống kê trong năm 2016, cả nước có khoảng 400 cơ sở bảo trợ công lập nhưng mới chỉ tiếp nhận khoảng 40 nghìn người cao tuổi. Con số này còn quá ít so với nhu cầu của xã hội, trong khi các doanh nghiệp tư nhân lại không mấy mặn mà đầu tư vào loại hình dịch vụ này. Không ít các đơn vị, doanh nghiệp muốn đầu tư vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi mong Nhà nước có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp thuận lợi đầu tư vào các loại hình này bởi mức giá thuê đất và mặt bằng khá cao...

Ông Đàm Hữu Đắc- phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, thách thức của quá trình già hóa dân số hiện nay đã gây nên sự quá tải đối với các cơ sở hạ tầng, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đa phần các cơ sở bảo trợ chăm sóc người cao tuổi hiện nay của Nhà nước nên còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp. Trung ương Hội cũng đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu tiên thuế, đất đai, nguồn vốn… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi hiện nay.

Để có thể nâng cao sức khỏe người cao tuổi, những năm qua Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn cũng như tăng cường dự phòng và chăm sóc ngay tại cộng đồng, trong đó việc xây dựng mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề ban đầu của người bệnh. Do đó, để thích ứng với già hóa dân số, hội thảo nói trên mong muốn có thể tăng cường hiệu quả phối hợp giữa thầy thuốc, dược sĩ và nhân viên y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cơ sở y tế địa phương. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm tới 18% và năm 2050 là 26%.

Dựa vào cộng đồng
Già hóa dân số đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế. Bên cạnh những tác động tích cực, già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác chăm sóc sức khỏe. Với phong tục tập quán, văn hóa và thực tế của Việt Nam, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng là phù hợp, là cơ sở để các cơ chế, chính sách cần hướng đến.

Già hóa nhanh với nhiều điểm đáng lưu ý đã tạo những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống khỏe và sống tốt. Qua các nghiên cứu thực tế cũng như phong tục, tập quán của người Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần dựa vào cộng đồng.

Để làm được điều đó cần phát triển mô hình y học gia đình; củng cố các hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam cũng cần phát triển nhiều mô hình như nhà dưỡng lão phù hợp với truyền thống văn hóa; đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở để không chỉ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu mà còn giúp chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các bệnh mãn tính; cần có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội, đây là một trong những phương pháp chăm sóc tốt nhất... Phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp hữu hiệu, quan trọng và chủ yếu trong bối cảnh già hóa dân số đang tăng nhanh. Đây cũng chính là nội dung đã được đề cập tại Hội nghị “Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua tại Hà Nội.

Chăm sóc sức khỏe tốt cho người già ngay tại gia đình là một phương án hiệu quả nhất mà ngành y tế đang hướng tới. Giờ đây, việc xây dựng mô hình hợp tác giữa bác sĩ gia đình và dược sĩ cộng đồng được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề ban đầu trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

M. Quang - N. Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/dua-vao-cong-dong-de-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-385763